Khai hội truyền thống đền - đình Sượt
Trong 2 ngày 18 và 19/4, tại phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, Ban Quản lý di tích đền – đình Sượt tổ chức khai hội truyền thống đền - đình Sượt năm 2024, dâng hương kỷ niệm 552 năm ngày sinh Đại vương Vũ Hựu (1472-2024).
Đền Sượt là một trong những ngôi đền có kiến trúc độc đáo và nhiều nghi lễ đặc sắc. Năm 1993, di tích đền - đình Sượt được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Năm 2020, Lễ hội đền - đình Sượt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2022, UBND tỉnh Hải Dương công nhân di tích lịch sử, văn hóa đền - đình Sượt là điểm du lịch.
Đền Sượt còn có tên chữ là Thanh Cương linh từ, Quang Liệt miếu. Trước đây là làng Thanh Cương, nay là dân cư 2, 3, 4, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương thờ danh tướng Vũ Hựu (1472 - 1520) có nhiều công lao giữ gìn và bảo vệ đất nước. Đền được xây ngay sau khi Vũ Hựu qua đời. Đền có kiến trúc theo kiểu chồng diêm cổ các hai tầng, lợp ngói mũi. Phần kết cấu chịu lực hệ cột, khung gỗ, chủ yếu bằng gỗ lim còn khá chắc chắn. Tòa cổ các với các đầu đao cong như đài hoa đến độ mãn khai, in lên trời cao vẻ đẹp đầy thanh cao là nét đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc cổ. Đình Sượt là di tích được dựng từ thời Lê, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian.
Theo Ban Quản lý di tích đền - đình Sượt, dưới thời Lê Thánh Tông, ở làng Long Thịnh, huyện Thọ Xương, Thanh Hóa, có người đàn ông tên là Vũ Đạo lấy bà Phạm Thị Hòa, người làng Thanh Cương, trấn Hải Dương. Hai vợ chồng sống nhân hậu, giỏi nghề thuốc, chuyên trị bệnh cứu người, song lại hiếm muộn đường con cái. Một đêm mộng thấy rồng vàng xuất hiện, người chồng biết rằng đại phúc đã đến với gia đình. Một trăm ngày sau bà thụ thai, đến tháng 3 năm Nhâm Thìn (1472), bà đi hội chùa làng Sượt về đến bên giếng đất đầu làng thì trở dạ, sinh hạ một cậu con trai, đặt tên là Vũ Hựu.
Từ nhỏ, Vũ Hựu nổi tiếng là người thông minh, trí dũng. Năm 21 tuổi, Vũ Hựu thi đỗ Hoàng Giáp (tiến sĩ), được phong làm Tham nghị triều chính. Tiếp đó, ông được phong giữ chức Đô đài ngự sử rồi được bổ nhiệm làm Đốc trấn hai xứ Kinh Bắc và Sơn Nam. Ông từng lập nhiều chiến công hiển hách, đánh thắng giặc Ai Lao, được Vua phong làm Thượng thư bộ hình. Cuối đời, vua Lê Chiêu Tông bị gian thần xúi bẩy, ông đã hết lòng can ngăn nhưng không được bèn dâng biểu lui về quê sống cuộc đời đạm bạc.
Mấy năm sau, giặc Chiêm tiến vào vùng đất phía nam đất nước, vua Lê vô cùng lo lắng, vội triệu ông đi dẹp giặc. Dẹp giặc xong, Vũ Hựu xin vua cho về quê vui thú điền viên. Ngày 6/11 năm Canh Thìn (1520), về đến núi Vân Đài, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, ông lên núi ngắm cảnh, bỗng trời đất tối sầm, sấm chớp nổi lên ầm ầm và ông hóa luôn ở đó. Vua Lê Chiêu Tông truy phong cho ông là Đại Vương và phong làm “Thượng đẳng phúc thần”, sắc phong “Minh quốc linh ứng, hiển Hựu Đại vương”.
Lễ hội truyền thống đền - đình Sượt được duy trì và phục dựng hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch với các các nghi lễ độc đáo như: Lễ xin âm dương bằng đòn tre; nấu rượu Hoàng tửu, lễ rước, lễ tế, lễ dâng hương, làm cỗ thượng tiến... Phần hội có các hoạt động: Thi giã bánh giầy, đấu vật, bơi chải và nhiều trò chơi dân gian khác thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.