Khai hội truyền thống đền Xưa và dâng hương tưởng niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh
Ngày 6.3 (ngày 15.2 âm lịch), Ban Tổ chức lễ hội truyền thống đền Xưa khai hội truyền thống và dâng hương tưởng niệm Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) - quê hương của thiền sư Tuệ Tĩnh.
Ngoài đại biểu của huyện, lễ hội còn có sự tham dự của lãnh đạo Hội Nam y Việt Nam; một số trường đại học, cao đẳng, trung học y tế; Hội Đông y các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; hậu duệ của Thiền sư Tuệ Tĩnh tại huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng).
Diễn văn tại lễ hội nêu bật công lao to lớn của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh trong đóng góp cho kho tàng tri thức y dược học dân tộc.
Ông tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh khoảng năm 1330, tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ. Lên 6 tuổi, ông mồ côi cha mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Giám) đón về nuôi dạy. Suốt cuộc đời tuổi thơ ông nương tựa chốn thiền môn.
Năm 22 tuổi (1351), ông thi đỗ Hoàng giáp nhưng không ra làm quan. Thường xuyên phải chứng kiến những trận dịch lớn cướp đi mạng sống của nhân dân, ông đã tìm hiểu cỏ cây, hoa lá, nghiên cứu dược liệu và chủ động trồng thuốc, thu thập những phương thuốc quý trong dân gian, lập y xá ngay tại các ngôi chùa để chữa bệnh. Các phương thuốc của ông đã cứu giúp những người bệnh nghèo, dập tắt những trận dịch lớn. Các nguồn tài liệu hiện còn cho biết ông đã tham gia xây dựng 24 ngôi chùa và biến đó thành các cơ sở chữa bệnh, cứu được nhiều người.
Năm 55 tuổi, sự nghiệp làm thuốc của ông đang nở rộ thì ông vào đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Do chữa khỏi bệnh cho vợ vua Minh, ông được phong là Thái y - Thiền sư và giữ lại làm việc ở Viện Thái y. Một thời gian sau ông mất.
Hơn 30 năm hoạt động khoa học, ông đã tập hợp, nghiên cứu, hệ thống, tổng kết các phương pháp chữa bệnh, gồm 10 khoa, 2 môn, bằng 3.873 phương thuốc, 580 vị thuốc chữa cho 184 bệnh. Ông có cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y dược dân tộc, sự nghiệp của ông không ngừng được kế thừa và phát huy. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông ở thế kỷ XVIII.
Với những công lao to lớn của ông, tại Cẩm Giàng có 3 nơi thờ phụng, đó là: đền Xưa, chùa Giám (xã Định Sơn) và đền Bia (xã Cẩm Văn). Ngày 25.12.2017, 3 di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Xưa ngày nay được đông đảo nhân dân, du khách thập phương cùng cán bộ, công nhân viên ngành y đến tham quan, chiêm bái. Hàng trăm năm qua, nơi đây đã trở thành trung tâm y dược dân tộc nổi tiếng.
Trong khuôn khổ lễ hội, diễn ra Lễ dâng chữ Thánh. Đây là nghi thức độc đáo chỉ có ở lễ hội đền Xưa và Văn miếu Mao Điền. 36 phụ nữ người làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) - nơi có Văn miếu Mao Điền rước 4 chữ Hán: Nam - Dược - Thánh - Nhân trên nền nhạc Lưu Thủy trang trọng tiến vào đền. Đây là nghi thức ngợi ca công đức và sự nghiệp y dược học dân tộc do Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh gây dựng.
Lễ hội truyền thống đền Xưa diễn ra trong 3 ngày. Trước đó, ngày 5.3 (14.2 âm lịch) đã diễn ra lễ mở cửa đền, lễ cáo yết.