Khai hội và đón Bằng chứng nhận Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 8-10, UBND huyện Xuân Trường tổ chức khai hội và đón Bằng chứng nhận Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Va, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 8-10, UBND huyện Xuân Trường tổ chức khai hội và đón Bằng chứng nhận Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Va, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thành ủy Nam Định; đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tới dự.
Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2963/QĐ-BVHTTDL ngày 27-8-2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ hội gắn liền với việc thờ phụng thiền sư, quốc sư Dương Không Lộ, người có công cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, nghề đúc đồng, nghề làm thuốc… Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện hàng năm diễn ra 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng hai tại Chùa Đĩnh Lan (Keo ngoài) với các nghi lễ: Dâng hương, rước kiệu, yến lão… Lễ hội mùa thu trước kia được tổ chức từ ngày 10 đến 16 tháng chín âm lịch. Hiện nay, các nghi lễ chính trong lễ hội được tổ chức trong các ngày từ ngày 12 đến 15 tháng chín. Ở phần lễ, các nghi lễ cổ vẫn được bảo tồn như: Trình Phật, Thánh, Phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ. Bên cạnh các nghi lễ, trong phần hội, nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian trong Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện dịp tháng chín được gìn giữ như: Bơi trải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử…
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện; đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các cấp và cộng đồng địa phương có di sản tiếp tục nghiên cứu kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện gắn với các tập quán, nghi lễ truyền thống và không gian tổ chức hoạt động lễ hội. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di sản, kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong lễ hội. Tiếp tục phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện gắn với di tích quốc gia quần thể nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh và không gian văn hóa làng Hành Thiện trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.