Khai mạc chương trình 'Những ngày Hà Nội tại TPHCM'

Tối 23-8, tại sân khấu phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt Dấu son Hà Nội, chính thức khai mạc chương trình 'Những ngày Hà Nội tại TPHCM'.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc tham quan không gian trưng bày TP Hà Nội tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc tham quan không gian trưng bày TP Hà Nội tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc; Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Văn Phong... Đây là một trong những sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động cao điểm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2024).

Chương trình nghệ thuật Dấu son Hà Nội được dàn dựng công phu, giúp khán giả thấy được phần nào quãng đường vinh quang, kiêu hãnh, tự hào của TP Hà Nội từ ngày 10-10-1954 đến nay. Chương trình được dàn dựng thành các phần: Khúc khải hoàn ca, Hương sắc Hà thành, Dòng chảy thời đại.

* Chiều 23-8, trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TPHCM”, tại trụ sở UBND TPHCM, đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu của TPHCM. Tham dự chương trình có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Nguyễn Thị Hữu Tài, Võ Thị Tuội; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; cùng những người có công tiêu biểu của TPHCM.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP Hà Nội vinh dự được gặp mặt và tri ân 70 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu của TPHCM. Đây là tình cảm, tấm lòng, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội đối với người có công tiêu biểu của TPHCM. Đó là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân liệt sĩ... Trong đó có 9 đại biểu đã trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu giải phóng thủ đô.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, những người có công với cách mạng và nhân dân TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cảm ơn những tình cảm quý báu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đối với gia đình chính sách, người có công tại TPHCM. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn trân trọng và biết ơn sâu sắc những đóng góp to lớn của các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng. Trên tinh thần ấy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của TPHCM được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Các hoạt động không chỉ thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, mà còn phát huy sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng cùng chung tay chăm lo cho những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

* Trước đó trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” và trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” tại Bảo tàng TPHCM (số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1).

Tham dự buổi khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, cùng lãnh đạo TP Hà Nội, TPHCM...

Trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, gồm 3 chủ đề: “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản của nhân loại”; “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản nghìn năm”; “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau”.

Trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một Nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa từ khi chập chững học những con chữ đầu tiên đến khi đỗ đạt thành tài, đem tài năng phụng sự đất nước. Đặc biệt, trưng bày đem tới những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng tham quan khi kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống đan xen hài hòa với các giải pháp công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D mappping, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo AI... Nhân dịp này, Bảo tàng TPHCM trưng bày phiên bản trống đồng Cổ Loa. Đây là món quà ý nghĩa của TP Hà Nội tặng TPHCM nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.

* Từ ngày 23 đến 25-8, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ còn có chương trình “Quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết thủ đô Hà Nội - TPHCM”. Chương trình trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của vùng đất Hà Nội từ cổ truyền đến hiện đại, như: gốm sứ Bát Tràng; gỗ và sơn son thếp vàng Sơn Đồng; đúc đồng Ngũ Xã; lụa Vạn Phúc; sơn mài Hạ Thái; mây tre đan Phú Vinh; tơ tằm Phùng Xá; kim hoàn Hàng Bạc… tại đây còn diễn ra các tiết mục biểu diễn thực hiện các sản phẩm cổ truyền như chuồn chuồn Tre Trạch Xá; nón Làng Chuông; tò he Phượng Dực…

Trong khuôn khổ chương trình, sáng 23-8, đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và TPHCM đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ, quận 1) và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM. Sau đó, các thành viên trong đoàn đến dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Đoàn đại biểu TP Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, làm trưởng đoàn.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khai-mac-chuong-trinh-nhung-ngay-ha-noi-tai-tphcm-post755473.html