Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX
Sáng 23/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Đảng bộ tỉnh Yên Bái khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tham dự có đồng chí Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh, cùng với 325 đại biểu ưu tú, đại diện cho trên 57.600 đảng viên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái cùng dự.
Trình bày diễn văn khai mạc Đại hội, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái khóa XVIII nhấn mạnh: Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Đại hội sẽ xem xét, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII; khẳng định những thành tựu, ưu điểm đạt được, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế với nguyên nhân cụ thể và kinh nghiệm rút ra; đồng thời, thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Đảng bộ tỉnh trong 5, 10 năm tới. Đại hội sẽ đi sâu kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nhằm khẳng định, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, giúp cho Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, với niềm tin, sức sáng tạo và kỳ vọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước, mỗi đại biểu dự Đại hội hãy phát huy cao độ trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tập trung, dân chủ, trí tuệ, chung sức, đồng lòng tích cực tham gia vào các nội dung và quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng của Đại hội; để Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh thành công tốt đẹp, tạo động lực mới, khí thế mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn khởi, tin tưởng vững bước vào một thời kỳ phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", cùng cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội XVIII do đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trình bày nêu rõ: Nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn địa phương; huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo những dấu ấn nổi bật.
Tốc độ tăng GRDP (theo giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước 5,71%/năm. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đi đầu trong các tỉnh khu vực Tây Bắc. Sau 05 năm toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.
Công nghiệp có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,6%, cao hơn giai đoạn trước. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 20.500 tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2015, vượt 10% mục tiêu Nghị quyết; tổng vốn đăng ký đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ gần 18.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần giai đoạn 2011 - 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân 6,07%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,06%. Dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc, 04 vùng du lịch trọng điểm được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả với một số sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng có sức cạnh tranh, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng các nguồn lực đầu tư; phát triển mạnh các thành phần kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,5 lần giai đoạn trước, vượt 3,3% mục tiêu Nghị quyết; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 3.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 23%, vượt 20% mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách gắn với cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho phát triển. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ. Tỉnh đã đa dạng hóa, huy động nguồn lực trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng 45% so với nhiệm kỳ trước, tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 02 cầu bắc qua sông Hồng, gần 300km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, bê tông hóa gần 1.800km đường giao thông nông thôn, 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 21%; hoàn thành 11/18 dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc, nhất là các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra diện mạo mới, khang trang từ thành thị đến nông thôn…
Phát biểu tại buổi khai mạc, đồng chí Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đánh giá cao những thành tựu mà Yên Bái đạt được, tuy nhiên, đồng chí cũng đề nghị Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, phân tích, làm rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua, đó là: Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp. An sinh xã hội trên một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Xây dựng, phát triển văn hóa có mặt chưa chuyển biến nhiều, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của đồng bào các dân tộc. Nguồn nhân lực và năng suất lao động còn hạn chế. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có nơi hiệu quả còn thấp. Qua đó, Đại hội cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để sớm có giải pháp khắc phục.
Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái với phương châm: "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", có ý nghĩa trọng đại, định hướng, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mỗi đại biểu dự Đại hội đều đoàn kết và luôn nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” để quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.