Khai mạc Hội nghị quốc tế 'Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam'
Sáng 3/7, Hội nghị quốc tế 'Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam' đã được tổ chức tại Ninh Bình, thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu trong và ngoài nước.
Hội nghị do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo tổ chức UNESCO, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO của một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh, thành, địa phương có danh hiệu UNESCO, cùng 200 đại biểu là các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Và Du lịch, bày tỏ vui mừng được chào đón các vị đại biểu về tham dự Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó.
Việt Nam đã xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động, hợp tác với các đối tác, nhất là với UNESCO.
Quan hệ Việt Nam-UNESCO là hình mẫu về hợp tác hiệu quả, ở đó Việt Nam UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn và đều rất kiên trì, bền bỉ trong thực hiện các cam kết.
Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia 4 Công ước của UNESCO về lĩnh vực di sản văn hóa; 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, thành viên Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017), thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006-2010 và 2022 -2026), thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (nhiệm kỳ 2021-2025); là một trong các quốc gia đầu tiên tổ chức hoạt động kỷ niệm hướng tới Lễ Kỷ niệm toàn cầu 50 năm Công ước Di sản thế giới của UNESCO.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đây là minh chứng sống động về một Việt Nam là thành viên chủ động và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp tích cực cho thành công của các khuôn khổ và hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong kiến tạo, đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 8 Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 9 Di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Có thể nói, các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tầm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định việc tổ chức Hội nghị quốc tế hôm nay thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh vì sự phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO.
Tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2022, Tổng giám đốc UNESCO Audey Azonlay đã bày tỏ tình cảm và ấn tượng rất tốt đẹp về Quần thể Danh thắng Tràng An - một di sản văn hóa và thiên nhiên có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với bảo tồn thiên nhiên, gắn kết vai trò của phụ nữ vào di sản, tìm ra sinh kế cho người dân từ di sản.
Theo Tổng giám đốc UNESCO, câu chuyện thành công của Tràng An-Ninh Bình đã truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên khác.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho rằng, Quần thể Danh thắng Tràng An không phải là câu chuyện thành công duy nhất mà còn rất nhiều bài học kinh nghiệm khác trong việc phát huy giá trị của 57 danh hiệu đã được UNESCO công nhận, nhằm phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ông Hà Kim Ngọc khẳng định, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng giáo dục. Khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững.
Bên cạnh những câu chuyện thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển; phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO. .
Trên tinh thần đó và để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã cùng với Ninh Bình tổ chức Hội nghị này nhằm đánh giá một cách toàn diện, tổng thể và tổng kết các kinh nghiệm phát huy tất cả các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và được lãnh đạo Tổ chức UNESCO đánh giá cao như một sáng kiến đầu tiên trên thế giới bao quát tất cả các danh hiệu UNESCO tại một quốc gia, thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, thúc đẩy giáo dục và khoa học ở các tầng nấc khác nhau.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc đề xuất Hội nghị tập trung vào:
Thứ nhất, các bài học kinh nghiệm, chia sẻ của các địa phương về các câu chuyện thành công trong việc phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Thứ hai, các thách thức hiện hữu mà nhiều địa phương đang phải đối mặt trong việc bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO. Đơn cử như du lịch đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam và các địa phương sở hữu danh hiệu UNESCO đều là những điểm thu hút nhiều khách du lịch.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch cũng có thể đe dọa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của các di sản, đòi hỏi chúng ta phải thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, các bài học điển hình quý giá, các giải pháp sáng tạo để phục vụ phát triển bền vững của địa phương và kể cả các bài học sai phạm, đôi khi rất đắt giá, sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho các địa phương đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng các hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh hoặc cả các địa phương mong muốn sở hữu thêm các danh hiệu UNESCO.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói: “Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Bên cạnh các nỗ lực bản thân, chúng ta cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và tại Hội nghị quốc tế này, chúng tôi cũng mong muốn được lắng nghe, muốn lắng nghe ý kiến đóng góp, bài học kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu trong nước, của UNESCO để đóng góp vào mục tiêu chương trình phát triển bền vững trên toàn cầu”.
Vui mừng khi được thay mặt Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay trở lại Việt Nam và tỉnh Ninh Bình dự Hội nghi, ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại, khẳng định Việt Nam là một hình mẫu hợp tác tích cực và hiệu quả với UNESCO.
Theo ông Firmin Edouard Matoko, Việt Nam gia nhập UNESCO năm 1976, ngay sau khi đất nước thống nhất và một năm trước khi gia nhập Liên hợp quốc. Kể từ đó và trong suốt 47 năm qua, Việt Nam và UNESCO đã xây dựng mối quan hệ bền chặt dựa trên niềm tin chung về tầm quan trọng thiết yếu của giáo dục, khoa học và văn hóa như những động lực chính cho sự phát triển bền vững.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam đã dựa trên mô hình phát triển dựa trên những khoản đầu tư rất lớn vào giáo dục, đồng thời đưa ra những cam kết hữu hình để bảo vệ di sản như một trụ cột của bản sắc và sự gắn kết xã hội trong thời kỳ này.
Là thành viên Ban Thư ký UNESCO, ông Firmin Edouard Matoko rất tự hào khi thấy các danh hiệu của UNESCO đã đóng góp và để lại dấu ấn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Firmin Edouard Matoko nói: “Việt Nam ngày nay có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong UNESCO. Việc Việt Nam trở thành thành viên tích cực trong Ban chấp hành của UNESCO là một ví dụ điển hình.
Trong những năm qua, các đại diện của Việt Nam đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào tất cả các quá trình ra quyết định tập thể của tổ chức… Với bề dày lịch sử và văn hóa, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp cho một số vấn đề toàn cầu”.
Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO cho biết, UNESCO sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc triển khai Bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Việt Nam và UNESCO nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới UNESCO năm 2021; cam kết hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại UNESCO để đạt được các mục tiêu chung.
Chia sẻ tại phiên khai mạc, Chủ tịch UNBD tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng bày tỏ niềm vui khi được chào đón các lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương; các vị khách quốc tế; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học và các vị đại biểu về tham dự Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận, đánh giá cao tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tổ chức tại chính nơi đây vào năm 2022.
Ông Phạm Quang Ngọc khẳng định, việc phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” là vinh dự và là dịp để Ninh Bình giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa, tự nhiên và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô.
Đây cũng là cơ hội để Ninh Bình và các tỉnh có di sản thế giới nói riêng, Việt Nam nói chung đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO.
Tỉnh Ninh Bình mong rằng, những kết quả của Hội nghị quan trọng này sẽ là căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương các khung tiêu chuẩn, khung pháp lý và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với các đô thị di sản Cố đô, làm cơ sở hoạch định chiến lược và các chính sách phù hợp nhằm xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển loại đô thị có giá trị độc đáo, đặc biệt riêng có này, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Một số hình ảnh tại phiên khai mạc: (Ảnh: Nguyễn Việt)
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt nam; chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân; đưa ra các khuyến nghị bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong ngày 3/7, gồm ba phiên chuyên đề: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Giải pháp huy động nguồn lực trong phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Tiếp đó, ngày 4/7, các đại biểu sẽ đi tham quan Di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, gặp gỡ trao đổi với các đại diện của cộng đồng địa phương và tham quan Danh thắng Tam Chúc.