Khai mạc Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN
Sáng 17-7, Việt Nam - Chủ tịch luân phiên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (gọi tắt là ASCN) năm 2020 chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ ba theo hình thức trực tuyến.
Sáng 17-7, Việt Nam - Chủ tịch luân phiên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (gọi tắt là ASCN) năm 2020 chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ ba theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị thường niên lần thứ 3 ASCN tập trung thảo luận và thông qua một số văn kiện. Trên cơ sở những nguyên tắc thống nhất này, 26 đô thị thành viên của ASCN sẽ xây dựng cho mình một tầm nhìn trung hạn, lập và triển khai kế hoạch hành động của mỗi năm phù hợp điều kiện địa phương của mỗi quốc gia, bảo đảm phát huy bản sắc riêng của từng đô thị, từng quốc gia, đóng góp cho bản sắc chung của ASCN.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Việt Nam, Phạm Hồng Hà chia sẻ, hội nghị lần này minh chứng rõ nét cho “một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trước những thách thức và cơ hội mới. Từ khi tham gia ASCN, Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đề án xác định ba nhóm nội hàm ưu tiên gồm: Quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và tiện ích đô thị thông minh. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nhiều đô thị ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... Năm 2020, chủ đề xuyên suốt cho các hoạt động của ASCN là “Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”... Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASCN 2020 sẽ nỗ lực hết mình cho sự phát triển chung của Mạng lưới và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Ông Lim Giốc Hoi - Tổng Thư ký ASEAN đánh giá, ASEAN đã tạo được động lực cho đô thị thông minh để đầu tư vào công nghệ, giải quyết những thách thức của đô thị cũng như tạo ra nguồn lực tăng trưởng mới. Đây là cơ hội tốt để tranh thủ sự lãnh đạo, năng lực thành phần của các đô thị cũng như các đối tác ngoài khối của ASEAN, nhất là trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Điều quan trọng là phải đưa ra được những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nguồn lực cả trên phần cứng - phần mềm của công nghệ số, kết nối; đồng thời phải có những ứng phó hiệu quả trước đại dịch giữa các thành phố...