Khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác HĐND năm 2023
Sáng 21/2 tại Quảng Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội. Hội nghị có sự tham gia của hơn 270 đại biểu là Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Cùng dự có đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị diễn ra trong một ngày, các đại biểu được nghe báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Tại Hội nghị, Thường trực HĐND các địa phương cũng phát biểu tham luận về kết quả hoạt động nổi bật, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động, công tác Hội đồng nhân dân năm 2022, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Năm 2022, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022.
Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Kết quả các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dự báo, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; những yếu tố bất cập, hạn chế từ nội tại nền kinh tế chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, hoạt động của HĐND còn một số tồn tại, hạn chế về chất lượng kỳ họp, hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Vì vậy, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu dự họp đầy đủ, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu, trong điều kiện một tỉnh cơ cấu xã hội biến đổi rất nhanh, nhất là gia tăng tầng lớp trung lưu, HĐND đã luôn thể hiện được tiếng nói đa dạng của các tầng lớp nhân dân và bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, HĐND đã và đang thể hiện ngày càng rõ là một thiết chế cực kỳ quan trọng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.
Minh chứng là nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó có vai trò rất quan trọng của hội đồng nhân dân các cấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày báo cáo tổng kết công tác Hội đồng nhân dân. Theo đó, thời gian qua, đất nước đạt được những thành tựu khá toàn diện, tạo dấu ấn nổi bật quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, đưa nước ta trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của thế giới, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng trên địa bàn và thu ngân sách cao. Những thành tựu nêu trên, trước hết có sự vào cuộc của Quốc hội trong việc kiến tạo thể chế.
Năm 2022, Quốc hội đã hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ: Quốc hội đã họp 2 kỳ thường lệ, 1 kỳ bất thường, thông qua 12 luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân như: Nghị quyết số 43/2022/QH15 và một số Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; tỉnh Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế được Quốc hội ban hành năm 2021, cùng với Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19… là cơ sở để Hội đồng nhân dân thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Điểm nhấn nữa là, năm 2022, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và tổ chức Hội nghị ở 6 khu vực trong cả nước.
Qua các hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kết luận số 1144/TB-TTKQH ngày 7/6/2022 về tổng kết công tác tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và đã nhận được 53 ý kiến, kiến nghị của các địa phương về thể chế và tổ chức thực hiện. Đến nay, về cơ bản các ý kiến, kiến nghị của địa phương đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn trả lời; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND; ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH5 để tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND” đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tháo gỡ khó khăn, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động giám sát của HĐND ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Qua báo cáo, các địa phương đánh giá cao hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó thể hiện rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động đối với HĐND các cấp.
Trong năm 2022, đã có tổng số 1.107 đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban HĐND, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó có 81 đoàn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 176 đoàn giám sát của Thường trực HĐND, 621 đoàn giám sát của các Ban HĐND, 229 Tổ đại biểu HĐND, trong đó, tỉnh Hải Dương tổ chức nhiều nhất là 48 đoàn giám sát.
Về hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp: Nội dung giám sát chuyên đề bao quát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; hoạt động tái giám sát được tăng cường với nhiều hình thức. Năm 2022, đã có tổng số 1.107 đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp tỉnh, đã tiếp nhận được 11.229 kiến nghị, đến thời điểm báo cáo đã có 8.083 kiến nghị được giải quyết (tỷ lệ 70,39 %).