Khai mạc hội nghị 'Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững'

* Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc theo hình thức ghi hình

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo theo hình thức ghi hình tại phiên khai mạc

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo theo hình thức ghi hình tại phiên khai mạc

Chiều 6.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức Hội nghị “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị theo hình thức ghi hình.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có: Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen; Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Thư ký Điều hành UNESCAP Armida Salsiah Alisjahbana; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan của Liên Hợp Quốc, IPU và một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Hội nghị “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với các cơ quan của Liên Hợp Quốc và Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Hội nghị “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với các cơ quan của Liên Hợp Quốc và Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Bên cạnh đó, vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển còn thể hiện qua việc thực hiện các chức năng đại diện; giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…

Hoan nghênh Ủy ban Đối ngoại phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức Hội nghị về chủ đề “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung đánh giá cập nhật tổng quan tình hình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam, trong đó nhận diện những thuận lợi, thách thức đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trao đổi các giải pháp tăng cường hơn nữa vai trò của Quốc hội về chức năng lập pháp, giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, lồng ghép các mục tiêu này vào hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; huy động nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực ngoài nước, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đại biểu dân cử, các tổ chức trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Nghị viện trong việc bảo đảm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Ông cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục tạo ra những hệ lụy về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới mọi người dân trên toàn thế giới, nhất là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, làm kéo lùi tiến trình đạt được SDGs. Do đó, cần có phản ứng chính sách nhanh nhạy và phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong quá trình hoạch định chính sách, Tổng Thư ký IPU cũng lưu ý, cần dành sự quan tâm thỏa đáng tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đồng thời, bảo đảm cam kết quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Với vai trò đại diện cho người dân, Tổng Thư ký IPU cho rằng, các nghị sĩ cần bảo đảm thứ tự ưu tiên đúng đắn trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, gắn với việc thực thi SDGs. Để làm được điều này, cần có khuôn khổ chính sách, pháp luật vững chắc và phù hợp, không ngừng rà soát và hoàn thiện pháp luật để bảo đảm kết nối với SDGs, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng.

Tổng Thư ký IPU khẳng định, Hội nghị "Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững" thực sự là cơ hội vàng để các nghị sĩ, đại diện các cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc và IPU tiếp tục thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Quốc hội trong thực hiện SDGs ở cấp quốc gia.

Hội nghị đã tiến hành các phiên thảo luận về các nội dung: tổng quan Chương trình nghị sự 2030 và việc thực hiện SDGs tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tiến độ thực hiện SDGs tại Việt Nam và những thách thức đặt ra trong thời gian tới; các hoạt động của Quốc hội trong thực hiện một số SDG; kinh nghiệm quốc tế trong lồng ghép SDGs vào hoạt động của nghị viện và việc thực hiện chức năng lập pháp của nghị viện nhìn từ lăng kính của các SDGs.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khai-mac-hoi-nghi-vai-tro-cua-quoc-hoi-doi-voi-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-qzg7klesli-81919