Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV: Đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn
Sáng 5-1, tại Nhà Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV đã khai mạc. Tham dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Cân đối giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch
Trình bày tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ quan điểm của Chính phủ lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực phát triển. Đó là vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực ĐBSCL. Các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ trình Quốc hội đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch cũng như nhiều định hướng phát triển lớn. Chính phủ đề xuất 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện. Đây là các nhóm giải pháp mang tính vĩ mô, đột phá và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, các giải pháp thực hiện chưa cụ thể hóa các định hướng đã đề ra; cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước. Chẳng hạn, về giải pháp huy động vốn đầu tư, với mục tiêu tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng), trong khi những giải pháp cơ bản được nêu ra đều đang được thực hiện, chưa có giải pháp mới, đột phá.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, quy hoạch tổng thể quốc gia được lập nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, theo hướng phân bố không gian, phân vùng và liên kết vùng. Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu làm rõ hơn các nội dung phải định hướng trong việc sắp xếp, phân bố không gian để đạt được các mục tiêu mà chiến lược đã đề ra; đồng thời cần nhấn mạnh hơn yêu cầu giảm chồng chéo, xung đột trong sử dụng không gian giữa các ngành, các địa phương và làm rõ quan điểm về phát triển kinh tế biển.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh kỳ họp bất thường lần này là hoạt động bình thường của Quốc hội để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Trong đó, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện thì quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học, khả thi.
Về nhân sự, Quốc hội xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.
Nhiều công chức không chịu được sức ép công việc
Trình bày tờ trình đề nghị kéo dài thời hiệu thực hiện một số nội dung của Nghị quyết số 30/2021/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, Chính phủ đề nghị hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước ngày 31-12-2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31-12-2023.
Chính sách thứ 2 mà Chính phủ đề xuất chuyển tiếp là về cơ chế thanh toán chi phí phòng chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 được tiếp tục cho đến hết ngày 31-12-2023.
Liên quan đến việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác với quy định của Luật Dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây là chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện theo Nghị quyết số 30; Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng chính sách này trong giai đoạn từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2024.
Theo người đứng đầu Bộ Y tế, việc giải quyết hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong giai đoạn vừa qua gặp nhiều khó khăn. Mỗi tháng chỉ xử lý được khoảng 500 hồ sơ gia hạn, mỗi năm chỉ có thể xử lý tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn, trong khi số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều sau dịch bệnh. Tính bình quân, mỗi công chức phải đảm nhiệm khoảng 1.300 hồ sơ/năm (trong đó có khoảng 200 hồ sơ gia hạn), “thực sự quá tải so với quỹ thời gian và sức khỏe của công chức”. Trong giai đoạn 2019-2021, Cục Quản lý dược phải huy động nhân lực liên tục phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra (5 đoàn), không còn đủ thời gian để giải quyết các công việc chuyên môn.
Nữ Bộ trưởng chia sẻ: “Nhiều công chức đã không chịu được sức ép công việc, sợ sai… Thực tế từ năm 2018 đến nay đã có 36 công chức của Cục Quản lý dược xin thôi việc”.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 6-1.