Khai mạc Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII
Sáng 9/12, tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, HĐND tỉnh Hải Dương khai mạc Kỳ họp thứ 28, xem xét nhiều nội dung, chính sách quan trọng. Báo Hải Dương truyền hình trực tuyến kỳ họp.
Sáng 9/12, tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII khai mạc kỳ họp thứ 28 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024).
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương chủ tọa kỳ họp.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương dự và chỉ đạo kỳ họp.
Các đồng chí: Bùi Thanh Quyến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh và một số đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự kỳ họp.
Các đồng chí: Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương cùng dự kỳ họp.
Mời quý vị và các bạn nghe phát biểu khai mạc kỳ họp của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Hiệu
Nhiều điểm sáng kinh tế - xã hội năm 2024
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu nhấn mạnh kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và quyết định nhiều vấn đề để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Đáng giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Lê Văn Hiệu khẳng định dù chịu ảnh hưởng từ nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, HĐND và UBND tỉnh đã phối hợp nhịp nhàng để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, tiếp nối đà tăng trưởng mạnh của những tháng đầu năm, đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, Hải Dương đã chủ động phòng, chống và tích cực khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân.
Tăng trưởng cả năm ước đạt 10,2% (đứng thứ 6 và gấp 1,5 lần mức bình quân toàn quốc); quy mô tổng sản phẩm theo giá hiện hành ước đạt trên 212 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,14 lần so với năm 2023. Thu ngân sách ước đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, tăng 46,7% so với dự toán (cao nhất từ trước đến nay, 16/16 khoản thu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra).
Đồng chí Lê Văn Hiệu đánh giá tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đầu tư hoàn thành 13 công trình và 4 dự án giao thông kết nối liên vùng góp phần tạo động lực, không gian phát triển mới.
Một số khó khăn về thủ tục đầu tư, triển khai dự án, đặc biệt là vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong nhiều năm qua từng bước được tháo gỡ. Việc xây dựng nhà ở xã hội, xử lý dự án chậm tiến độ đã đạt kết quả bước đầu.
Cùng với đó, Hải Dương đã tích cực, chủ động ban hành theo thẩm quyền các văn bản để tổ chức triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở năm 2024, các văn bản luật mới và các nghị định hướng dẫn thi hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ y tế, giáo dục, lao động, giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng chính sách và người có công...
Các lĩnh vực về văn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm, giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn giữ vững thành tích trong top đầu cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hải Dương không ngừng được cải thiện và nâng lên.
Còn hạn chế cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả, đồng chí Chủ tịch HDND Lê Văn Hiệu đánh giá còn nhiều hạn chế. Trong đó, thu ngân sách nội địa tuy tăng nhưng tỷ trọng nguồn thu từ đất vẫn chiếm khá cao (xấp xỉ 35%). Thu hút đầu tư chưa như kỳ vọng, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm sút so với năm 2023 và thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận (chỉ đạt trên 600 triệu USD, giảm 52,3% so với cùng kỳ năm 2023).
Việc xây dựng một số cơ chế chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa bảo đảm hài hòa giữa các thành phần, khu vực và đối tượng thụ hưởng.
Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới không đạt mục tiêu đề ra trong khi chất lượng doanh nghiệp của tỉnh còn thấp, số doanh nghiệp dời bỏ thị trường tăng cao.
Vi phạm công trình thủy lợi, hoạt động bến bãi, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý triệt để. Một số khó khăn, vướng mắc kéo dài chậm được khắc phục như nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, dự án chậm tiến độ có nguy cơ gây lãng phí...
Lưu ý khối lượng công việc kỳ họp là rất lớn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm, nghiên cứu và tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, góp phần vào những quyết sách đúng đắn, thực sự đồng hành cùng UBND tỉnh và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Sau khi đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc, các đại biểu dự kỳ họp nghe một số báo cáo, tờ trình.
Thông tin về kỳ họp sẽ được Báo Hải Dương liên tục cập nhật. Báo Hải Dương truyền hình trực tuyến kỳ họp trên báo điện tử và kênh YouTube Báo Hải Dương.
Trong 2,5 ngày làm việc, kỳ họp sẽ tập trung xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công; kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm năm 2024 và kế hoạch năm 2025...
UBND tỉnh Hải Dương trình các tờ trình đề nghị ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về: Phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 (vốn cấp tỉnh quản lý); quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030 và Chương trình phát triển đô thị TP Chí Linh đến năm 2040.
HĐND tỉnh dự kiến sẽ xem xét nhiều chính sách đặc thù, trong đó có: Cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chế độ miễn tiền thuê đất với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh ngành, nghề ưu đãi; mức thu học phí tại cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, thu hút, đãi ngộ, đào tạo nhân lực y tế tại cơ quan, đơn vị công lập; hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo; hỗ trợ thành viên thuộc hộ nghèo, hộ thoát nghèo; chính sách với người có công; hỗ trợ công chức bộ phận "một cửa" các cấp...
Ngày 10/12, tại kỳ họp sẽ diễn ra phiên thảo luận và chất vấn ở hội trường đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh và Giám đốc các sở, ngành: Công an tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế.
Kỳ họp dự kiến bế mạc vào sáng 11/12.