Khai mạc Kỳ họp thứ 5 - Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X

(ABO) Sáng 5-7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X khai mạc Kỳ họp thứ 5. Tham dự kỳ họp có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Tiền Giang; cùng 59/61 đại biểu HĐND tỉnh khóa X.

Đồng chí Võ Văn Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu chỉ đạo kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Võ Văn Bình cho biết: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh cả nước và tỉnh ta đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ.

Với sự tập trung lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới; kết quả tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt những kết quả tích cực.

Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu khai mạc kỳ họp.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 4,1% so với cùng kỳ 2021; 3 khu vực đều có sự tăng trưởng khá: Trong đó, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,8%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,4% và khu vực dịch vụ tăng 4,4%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu thực hiện được 2,07 tỷ USD, đạt 61,9% so kế hoạch, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng được 4.941 tỷ đồng, đạt 55,9% dự toán năm. Chi ngân sách thực hiện 6.943 tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán năm, tăng 13,2% so cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện được 16.278 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời. Công tác dạy và học của ngành Giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, khống chế; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững...

Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Danh, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, tâp trung lãnh đạo có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, sự đóng góp tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, của HĐND tỉnh, của từng đại biểu HĐND; của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà; đặc biệt, là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành Y tế, Lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, luôn có mặt ở tuyến đầu trong phòng, chống đại dịch…

Đồng chí Nguyễn Văn Danh dự và phát biểu chỉ đạo kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh có nhiều nội dung quan trọng. Vì vậy, các đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục phát huy thật tốt dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, cân nhắc kỹ từng nội dung, từng vấn đề, đóng góp nhiều ý kiến để kỳ họp đạt được kết quả tốt nhất, trong đó cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất, toàn diện những kết quả đạt được; đồng thời, cần thẳng thắn nhìn nhận chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022; tìm ra nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, rút ra kinh nghiệm, đề xuất giải pháp khả thi, phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2022.

Cần nhận thức đúng các quan điểm, những định hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 đã được đề cập trong Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy để thể chế hóa thành các nghị quyết của HĐND tỉnh, bảo đảm sát với tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên báo cáo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, tài nguyên... gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm luật ngân sách nhà nước; tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành. Tạo điều kiện để phát triển nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu, nợ đọng thuế; đồng thời, giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, tiêu cực.

Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phân bổ vốn phải đảm bảo đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo yêu cầu phát triển của từng vùng, từng địa phương; sớm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm, dự án động lực, tạo sự lan tỏa trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội vùng, liên vùng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường giám sát trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nguyễn Chí Trung trình bày Thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang

Thứ ba, qua công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã thành công, đã kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới tương đối sớm so với một số tỉnh trong cả nước. Thế nhưng, đã phát sinh một thực trạng chung, đó là ngành Y đang rất lo ngại trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế, thực trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân trong thời gian tới nếu không sớm có cơ chế, giải pháp khắc phục.

Nguyên nhân của vấn đề này là do nhiều cán bộ của ngành Y trong cả nước bị xử lý kỷ luật do sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua như báo chí đã đăng tin, tạo tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện (Đại án ở Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã để lại một hậu Covid-19 vô cùng nghiêm trọng, một mất mát lớn về ngân sách, về con người, về nhân lực của ngành Y).

Việc này, các cấp ủy, chính quyền nên có chỉ đạo làm rõ từng hành vi, từng mức độ vi phạm để xử lý, kiểm điểm rút kinh nghiệm trên tinh thần minh bạch, công tâm, khách quan, đúng người, đúng lỗi sai phạm nhằm bảo vệ người làm đúng, ngăn ngừa người có ý định làm sai, đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ ngành Y trong thực hiện nhiệm vụ “cứu người” của mình, không vì những lo ngại tức thời mà quên đi nghĩa vụ cao cả của người thầy thuốc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Thứ tư, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh cần rà soát các nghị quyết, các văn bản đã ban hành chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải bổ sung, điều chỉnh, đề xuất với Tỉnh ủy ban hành chủ trương, đề nghị HĐND tỉnh kịp thời ban hành nghị quyết mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đặc biệt là về cơ chế, về chính sách, về tài chính.

Thứ năm, đối với công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, cần tăng cường, củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh, huyện và cơ sở vững chắc; thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng, chống tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội; chủ động phòng ngừa, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, các băng nhóm thanh toán nhau theo kiểu xã hội đen, tội phạm công nghệ cao; ngăn chặn kịp thời các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phần tử xấu, tạo cuộc sống bình yên cho người dân.

Thứ sáu, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nhất là chức năng quyết định và giám sát, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong các hoạt động xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; tăng cường công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm tra, giám sát, thảo luận Tổ và trong hoạt động chất vấn…

Quang cảnh kỳ họp

Trong đó, hoạt động chất vấn, giải trình là một trong những hoạt động đặc biệt được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi, thể hiện trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của UBND, của người đứng đầu các sở, ngành trước HĐND và trước cử tri. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, đại biểu HĐND tỉnh cần nghiên cứu sâu các lĩnh vực, mạnh dạn đặt vấn đề chất vấn, truy vấn, tranh luận và yêu cầu giải trình, thể hiện rõ chính kiến của mình thông qua hoạt động ở Tổ và thảo luận tại Kỳ họp. Nhưng đồng thời cũng cần tránh đặt vấn đề quá đơn giản, hỏi chỉ để nắm thông tin, hoặc chất vấn nhưng không nắm rõ được bản chất của vấn đề; hỏi những việc mà mình chỉ nghe dư luận, chưa được kiểm chứng...

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải có sự quyết tâm nhân đôi; phải đoàn kết một lòng, phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thì mới thực hiện tốt được nhiệm vụ khôi phục, phát triển sản xuất - kinh doanh, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, mới hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tạo đà để Tiền Giang phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Báo Ấp Bắc sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về kỳ họp.

THU HOÀI - VĂN THẢO

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202207/khai-mac-ky-hop-thu-5-hoi-dong-nhan-dan-tinh-tien-giang-khoa-x-954699/