Khai mạc Lễ hội Cam Cao Phong hương sắc đất Mường

Lễ hội cam hôm nay nhằm tôn vinh những người trồng cam đã cố gắng nỗ lực xây dựng thương hiệu cam Cao Phong được cả nước biết đến và hướng tới xuất khẩu.

Quang cảnh gian trưng bày sản phẩm cam chào mừng Lễ hội cam Cao Phong lần thứ V năm 2019. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Quang cảnh gian trưng bày sản phẩm cam chào mừng Lễ hội cam Cao Phong lần thứ V năm 2019. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Ngày 23/11, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khai mạc Lễ hội cam Cao Phong lần thứ V với chủ đề “Cam Cao Phong hương sắc đất Mường.”

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, những năm qua, huyện Cao Phong đã có nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Lễ hội cam hôm nay nhằm tôn vinh những người trồng cam đã cố gắng nỗ lực xây dựng thương hiệu cam Cao Phong được cả nước biết đến và hướng tới xuất khẩu.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, tỉnh Hòa Bình cần lấy mô hình cam Cao Phong để nhân rộng ra toàn tỉnh; tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp để cam Cao Phong phát triển hơn.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục kết nối với các nhà đầu tư, mở rộng thị trường để các sản phẩm nông sản sạch của huyện Cao Phong nói riêng và của tỉnh Hòa Bình nói chung tiếp tục phát triển, vươn xa hơn nữa.

Cam Cao Phong được cấp chứng chỉ VietGap và có tem truy xuất ngồn gốc. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Cam Cao Phong được cấp chứng chỉ VietGap và có tem truy xuất ngồn gốc. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Lễ hội cam Cao Phong lần thứ V với sự tham gia của gần 100 gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm cam, quýt, bưởi các loại của huyện Cao Phong; các sản phẩm nông lâm thổ sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh vùng Tây Bắc.

Đặc biệt, trong lễ hội năm nay có hai gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp. Đây là cơ hội tốt để các địa phương giao lưu học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây nông nghiệp giữa hai miền.

Theo báo cáo của huyện Cao Phong, hiện nay tổng diện tích cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 3.000 ha; trong đó, diện tích cây cam đạt gần 2.000 ha, cây quýt gần 1.000 ha.

Sản lượng niên vụ năm 2018-2019 đạt trên 40.000 tấn, giá tại thời điểm bình quân 20.000-25.000 đồng/kg.

Các loại cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện được trồng bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm cam của huyện Cao Phong từ năm 2014 đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp Bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Năm 2016, cam Cao Phong được cấp Chứng nhận “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng,” Đồng thời, được Trung tâm Khoa học Công nghệ và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp chứng nhận đạt Cúp vàng sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam...

Nhân dịp này, huyện Cao Phong đã ra mắt Hội sản xuất và kinh doanh cam Cao Phong để những người trồng cam của địa phương cùng chung tiếng nói phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm.Lễ hội cam Cao Phong lần thứ V được diễn ra từ ngày 23 đến 29/11/2019../.

Vũ Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khai-mac-le-hoi-cam-cao-phong-huong-sac-dat-muong/609173.vnp