Khai mạc Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024
Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024 có sự tham gia của 9 đoàn tuồng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phi vật thể quốc gia – Nghệ thuật Hát bội Bình Định.
Tối 4/8, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, Sở VH- TT tỉnh này tổ chức Liên hoan sân khấu Tuồng (Hát bội) không chuyên tỉnh năm 2024.
Theo đó, liên hoan diễn ra trong thời gian 3 đêm (4-6/8) với sự tham gia của 9 đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh, gồm: Đoàn nghệ thuật Tuồng Nhơn Hưng, Đoàn Tuồng Sao Mai, Đoàn Tuồng An Nhơn 1, Đoàn Tuồng xã Phước An, Đoàn nghệ thuật Tuồng Trần Quang Diệu, Đoàn nghệ thuật Tuồng Sông Kôn, Đoàn Tuồng 2 An Nhơn, Đoàn nghệ thuật Tuồng Hoài Nhơn và Đoàn Tuồng Ngô Mây.
Mỗi đoàn biểu diễn dự thi ít nhất 1 trích đoạn và tối đa 3 trích đoạn về đề tài truyền thống, lịch sử với thời lượng quy định từ 20 - 30 phút/trích đoạn.
Căn cứ vào số lượng các trích đoạn và vai diễn tham gia Liên hoan, Ban tổ chức sẽ chấm trao giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cho các tập thể (hạng mục trích đoạn) và cá nhân (hạng mục vai diễn) đảm bảo tiêu chí về chất lượng nội dung, nghệ thuật theo quy chế.
Ông Huỳnh Văn Lợi- Phó Giám đốc Sở VH-TT cho hay, Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024 là một trong các hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Nghệ thuật Hát bội Bình Định trên địa bản tỉnh.
Theo Sở VH-TT tỉnh Bình Định, tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời của dân tộc.
Tuồng khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương… Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.
Có thể nói, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ tuồng và tuồng là sân khấu của những người anh hùng.
Bình Định, miền đất phát tích và lan tỏa nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là nghệ thuật hát bội, bài chòi, võ cổ truyền. Trong đó, hát bội là loại hình nghệ thuật trình diễn bác học mang đậm nét văn hóa truyền thống cung đình.
Tuồng Bình Định có phong cách riêng, nổi bật trong đại gia đình nghệ thuật sân khấu truyền thống toàn quốc. Nơi đây gắn liền với tên tuổi được giới nghệ sĩ sân khấu tuồng suy tôn là vị Tiền tổ Đào Duy Từ và vị Hậu tổ Đào Tấn.
Theo Sở VH-TT Bình Định, ngoài Đoàn tuồng Đào Tấn là đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc Nhà hát nghệ thuật trống tỉnh, hiện Bình Định còn gần 10 đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên hoạt động.
Sự duy trì và phát triển của của các đoàn tuồng không chuyên là một nét đặc sắc của Bình Định, luôn song hành bảo tồn và phát triển cả sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên.
Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn giữ được bản sắc vốn có và đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng của công chúng khắp nới. Tiếng trống tuồng Bình Định đã có dịp vang xa và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong người dân và du khách.
Liên hoan lần này là dịp để các đoàn nghệ thuật tuồng trong tỉnh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; các nghệ nhân thi diễn tài năng, góp phần duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng phong trào sân khấu không chuyên của Bình Định, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ nghệ của quần chúng.
Liên hoan còn nhằm mục tiêu góp phần quảng bá di sản Nghệ thuật Hát bội Bình Định tới với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Trước đó, trong 2 ngày (2-3/8), Bình Định đã tổ chức liên hoan các câu lạc bộ Bài chòi tỉnh năm 2024. Sau 2 ngày diễn ra liên hoan, Câu lạc bộ Bài chòi Tp.Quy Nhơn giành giải nhất.