Khai mạc nhiều lễ hội lớn

Ngày 30-1 (mồng 6 tháng Giêng), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình và chùa Bái Ðính tổ chức lễ khai hội chùa Bái Ðính Xuân Canh Tý 2020. Ðến dự, có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và hàng nghìn tăng ni, phật tử, khách du lịch trong nước, quốc tế.

Ðồng chí Trương Hòa Bình đã đánh trống khai hội và tham dự lễ dâng hương tại khu di tích thắng cảnh chùa Bái Ðính. Lễ khai hội diễn ra trang trọng với lễ niệm Phật cầu gia hộ; thỉnh chuông, đánh trống và dâng hương, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, cùng lễ rước kiệu và nhiều nghi lễ truyền thống.

Lễ hội Xuân chùa Bái Ðính 2020 là sự kiện mở đầu của tỉnh Ninh Bình chào mừng Năm du lịch quốc gia 2020 - Ninh Bình với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm". Lễ hội sẽ diễn ra trong ba tháng đầu năm.

Ngày 30-1 (tức mồng 6 tháng Giêng), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Ðền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội), TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - năm 2020) và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Canh Tý năm 2020.

Tới dự có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Ðại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng; Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Ðào Việt Trung; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.

Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, gần 2000 năm qua, nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, có những cống hiến to lớn, rất đáng tự hào vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Thời gian tới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội tiếp tục đoàn kết, chủ động sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế về con người, truyền thống cách mạng và văn hóa, trong đó có các di sản đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Ðối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Ðền Hai Bà Trưng, cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ và phát hiện thêm những giá trị mới; xây dựng chương trình, kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị; tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, nghiên cứu, khám phá lý thú và hấp dẫn của Thủ đô; đồng thời khẩn trương xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Ðền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau lễ kỷ niệm là các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian độc đáo. Cũng trong khuôn khổ lễ hội còn có triển lãm "Mê Linh - Ðất và người"; trưng bày sinh vật cảnh và sản vật quê hương Mê Linh...

Sáng 30-1 (tức mồng 6 tháng Giêng), tại Khu di tích đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), UBND huyện Sóc Sơn tổ chức khai hội đền Sóc.

Ngay từ sáng sớm, đoàn nghi lễ của tám thôn, làng của các xã quanh vùng đã rước lễ vật lên núi Sóc và dâng hương ở đền Thượng. Sau đó, đoàn nghi lễ xuống đền Hạ dâng hương. Ðại diện UBND huyện Sóc Sơn đã thay mặt nhân dân đánh trống khai hội.

Theo đại diện Ban tổ chức, dự kiến trong ba ngày diễn ra lễ hội (từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng), khu di tích đền Sóc sẽ đón khoảng 120 nghìn lượt khách.

Sáng 30-1, tại di tích quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa, UBND huyện Ðông Anh (Hà Nội) tổ chức lễ khai hội Cổ Loa, kỷ niệm ngày Thục Phán An Dương Vương xưng vương lập nên nước Âu Lạc.

Mở màn cho lễ hội là nghi lễ rước "bát xã Loa thành", tức lễ rước của nhân dân tám làng quanh vùng dâng lễ vật lên An Dương Vương tại đền Ngự triều di quy. Sau khi tám làng dâng lễ vật, đại diện lãnh đạo UBND huyện Ðông Anh đã đọc lời khai mạc, cùng ôn lại những công lao của An Dương Vương trong sự nghiệp xây dựng đất nước buổi đầu lịch sử. Ðồng thời, đây cũng là bài học đề cao cảnh giác trước nguy cơ ngoại xâm cho con cháu muôn đời.

Lễ hội Cổ Loa là một lễ hội lớn của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng và du khách thập phương, diễn ra từ nay đến hết ngày 16 tháng Giêng.

Cùng ngày, tại sân chùa Thiên Trù (thuộc di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội), UBND huyện Mỹ Ðức tổ chức lễ khai hội chùa Hương năm 2020.

Với chủ đề "Lễ hội kỷ cương, văn minh lịch sự", lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới. Ban tổ chức đã tập huấn cho hàng nghìn cán bộ và người dân phục vụ lễ hội về công tác bảo đảm an ninh trật tự, gìn giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội và tuyên truyền mạnh mẽ quy tắc ứng xử nơi công cộng cho nhân dân. Huyện Mỹ Ðức đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ du khách đi trảy hội. Ðể duy trì công tác an ninh trật tự, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự gồm hơn 164 người, chia thành 15 tổ, thay nhau trực 24 giờ hằng ngày tại những nút giao thông quan trọng và những khu vực thu hút nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh trong ba tháng lễ hội (từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch).

Ngày 30-1 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố Bắc Giang tổ chức lễ hội 593 năm Chiến thắng Xương Giang với sự tham dự của hàng nghìn du khách và nhân dân. Lễ hội là sự tưởng nhớ công ơn đối với các bậc hiền tài, nghĩa sĩ và nhân dân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh để làm nên chiến thắng và giới thiệu về vùng đất Bắc Giang nhiều tiềm năng du lịch.

Ngày 31-12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích địa điểm Chiến thắng Xương Giang là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 30-1, tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (xã Ngũ Ðoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), diễn ra Lễ khai bút truyền thống đầu năm với chủ đề "Thành phố Hải Phòng trong ước mơ của em". Lễ khai bút là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa khuyến học, khuyến tài và thể hiện lòng biết ơn với triều nhà Mạc đã có công trong việc phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. Tham dự lễ khai bút năm nay có hơn 600 học sinh đến từ các trường trên địa bàn thành phố. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao thưởng cho 12 học sinh có bài viết tiêu biểu trong lễ khai bút năm 2019. Lễ khai bút được tổ chức đến ngày 1-2 với hoạt động trình diễn thư pháp cùng các trò chơi dân gian độc đáo.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/43083902-khai-mac-nhieu-le-hoi-lon.html