Khai mạc 'Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh'

Tối 23/8, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM), UBND TP. Hà Nội phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức khai mạc chương trình 'Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh' với chủ đề 'Dấu son Hà Nội'.

Chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh" diễn ra đến ngày 25/8, thông qua các hoạt động của Chương trình nhằm tuyên truyền về ý nghĩa trọng đại của Ngày Giải phóng Thủ đô, thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chương trình cũng quảng bá, giới thiệu các nét đặc trưng về văn hóa, di sản văn hóa tiêu biểu độc đáo của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến; con người Thủ đô thanh lịch, văn minh; Thủ đô Hà Nội - TP vì hòa bình, TP sáng tạo.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP HCM"

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP HCM"

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, "Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh" là dịp để người dân TP. Hà Nội và TP.HCM cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, gặp gỡ, chia sẻ, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, tiềm năng và con người của mỗi địa phương đến với công chúng và du khách.

"Thông qua chương trình, các đại biểu, người dân TP.HCM cũng như du khách trong và ngoài nước sẽ cảm nhận được tình cảm sâu nặng, chân thành của người Hà Nội, hiểu thêm về nét đẹp văn hóa, con người và cuộc sống nơi Thủ đô ngàn năm văn hiến" bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng kỳ vọng, chương trình sẽ góp phần làm sâu đậm thêm tình cảm gắn bó, bền chặt giữa 2 địa phương, thắt chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của hai Thành phố khẳng định vai trò vững chắc của 2 đầu tàu kinh tế, gắn kết tạo thành sức mạnh tổng hợp để cùng phát triển đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Các đại biểu tham dự chương trình khai mạc.

Các đại biểu tham dự chương trình khai mạc.

Phát biểu chào mừng tại chương trình, ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc lại trong những năm tháng kháng chiến đồng bào, chiến sĩ miền Bắc dồn tâm sức vì miền Nam ruột thịt; và trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội hướng về Thành phố Hồ Chí Minh với nghĩa cử cao đẹp, góp phần giúp Thành phố vượt qua đại dịch COVID, từng bước khôi phục kinh tế, trở lại nhịp sống sôi động,…

Ông Hải khẳng định đó là những ân tình mà TP.HCM khắc sâu trong tim về Hà Nội mến yêu, Thủ đô dấu yêu.

Theo ông Dương Ngọc Hải, những kết quả đạt được của Thủ đô Hà Nội trong 70 năm (sau ngày Giải phóng Thủ đô) và của TP.HCM trong gần 50 năm qua (sau ngày Thống nhất đất nước) – là rất quan trọng, xứng đáng với vai trò trung tâm, hạt nhân, đầu tầu của hai vùng động lực phát triển của cả nước

Lễ khai mạc mang đến chương trình nghệ thuật ý nghĩa giúp du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Thủ Đô Hà Nội.

Lễ khai mạc mang đến chương trình nghệ thuật ý nghĩa giúp du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Thủ Đô Hà Nội.

Lễ khai mạc mang đến Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Dấu son Hà Nội" gồm các màn trình diễn ca múa đặc sắc trên sân khấu, lấy ý tưởng từ Cột cờ Hà Nội - di tích lịch sử đặc biệt, một trong những biểu tượng của Thủ đô.

Chương trình mang đến sự kết hợp giữa các phần trình diễn dàn nhạc - hợp xướng - ca, múa, hoạt cảnh gợi mở dưới góc độ nghệ thuật những giá trị lịch sử, văn hóa và giới thiệu khái quát về Thủ đô Hà Nội theo các phần: Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến; Thủ đô Hà Nội - Thành phố Anh hùng; Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.

Mỗi tiết mục tại sự kiện sẽ đại diện cho một lát cắt sống động, phản ánh vẻ đẹp của Hà Nội, qua những biểu tượng thân thương như Cột cờ Hà Nội, Phố Phái… nhưng trên hết, đó là tinh thần của người Hà Nội - một tinh thần luôn hướng về nguồn cội, trân trọng quá khứ, đồng thời cũng hướng tầm nhìn về tương lai.

Mỗi tiết mục tại sự kiện sẽ đại diện cho một lát cắt sống động, phản ánh vẻ đẹp của Hà Nội, qua những biểu tượng thân thương như Cột cờ Hà Nội, Phố Phái… nhưng trên hết, đó là tinh thần của người Hà Nội - một tinh thần luôn hướng về nguồn cội, trân trọng quá khứ, đồng thời cũng hướng tầm nhìn về tương lai.

Đặc biệt, những ca khúc về Hà Nội từ những giai điệu truyền thống đến những sáng tác hiện đại (Xẩm Hà Nội, Hà Nội linh thiêng và hào hoa, Nhớ mùa thu Hà Nội…), trong đó mỗi bài hát đều là một mảnh ghép trong bức tranh đầy màu sắc về Thủ đô nghìn năm văn hiến, đồng thời thể hiện sự gắn kết giữa TPHCM và Hà Nội.

Bộ phim phóng sự giới thiệu về Thủ đô được trình chiếu tại lễ khai mạc mang đến cái nhìn sâu sắc về truyền thống và sự phát triển của Hà Nội.

Bộ phim phóng sự giới thiệu về Thủ đô được trình chiếu tại lễ khai mạc mang đến cái nhìn sâu sắc về truyền thống và sự phát triển của Hà Nội.

Tại lễ khai mạc, người dân TP.HCM, du khách trong nước và quốc tế cũng đã được tham quan, thưởng ngoạn những không gian văn hóa - lịch sử thu nhỏ của Thủ đô Hà Nội tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).

Trong đó, không gian "Hào khí Thăng Long" được thiết lập với cổng chào tái hiện biểu trưng logo Hà Nội và Tượng đài Cảm Tử, tạo nên một không khí trang trọng, đầy ý nghĩa.

Không gian văn hóa - lịch sử của Thủ đô được gợi mở thông qua triển lãm ảnh tư liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng.

Không gian văn hóa - lịch sử của Thủ đô được gợi mở thông qua triển lãm ảnh tư liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng.

Đặc biệt, di sản cầu Long Biên cũng được tái hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ, nơi toàn bộ hình ảnh triển lãm sẽ được thể hiện, làm nổi bật một trong những biểu tượng lịch sử của Thủ đô.

Các tiểu cảnh như Trung thu Hà Nội, Hồ Gươm, phố Bích họa, Sắc hoa Hà thành, Trụ sở Báo Hà Nội Mới… cũng góp phần làm phong phú thêm không gian sự kiện, giúp người dân miền Nam có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, nét đẹp của Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, Không gian "Phố nghề, làng nghề Hà Nội Xưa và Nay" cũng thu hút sự thích từ người dân và du khách. Các gian hàng mang hình ảnh phố cổ Hà Nội và các gian hàng thể hiện đặc trưng của các làng nghề, phố nghề (28 Gian hàng).

Các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc, gồm sản phẩm "xưa" thể hiện cho giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống và sản phẩm "nay" thể hiện sự hội nhập, phát triển: Gốm sứ Bát Tràng; Gỗ và Sơn son thếp vàng Sơn Đồng; Đúc đồng Ngũ Xã; Lụa Vạn Phúc; Sơn mài Hạ Thái; Mây tre đan Phú Vinh; Tơ tằm Phùng Xá; Kim hoàn Hàng Bạc.

Không gian văn hóa Thủ đô cũng được gợi mở qua biểu tượng của ngôi chợ truyền thống, tái hiện qua các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống và các hoạt động giao lưu văn hóa hấp dẫn.

Không gian văn hóa Thủ đô cũng được gợi mở qua biểu tượng của ngôi chợ truyền thống, tái hiện qua các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống và các hoạt động giao lưu văn hóa hấp dẫn.

Du khách thích thú trải nghiệm văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Thủ Đô ngàn năm văn hiến.

Du khách thích thú trải nghiệm văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Thủ Đô ngàn năm văn hiến.

Các gian hàng mang hình ảnh phố cổ Hà Nội và các gian hàng thể hiện đặc trưng của các làng nghề, phố nghề (28 Gian hàng).

Các gian hàng mang hình ảnh phố cổ Hà Nội và các gian hàng thể hiện đặc trưng của các làng nghề, phố nghề (28 Gian hàng).

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động ý nghĩa cũng được tổ chức như: Chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch giữa TP.Hà Nội và TP.HCM; Chương trình giao hữu thể thao giữa hai thành phố; Chương trình giao lưu nghệ thuật "Giai điệu trẻ".

Nhật Nam

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khai-mac-nhung-ngay-ha-noi-tai-tp-ho-chi-minh-20240823225238989.htm