Khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì khai mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp được tổ chức thành 2 đợt
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là một trong những phiên họp có khối lượng nội dung lớn nhất từ đầu năm đến nay để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV.
Thời gian phiên họp tương đối dài, tổng số 7 ngày, nên được tổ chức thành 2 đợt (đợt 1 từ 14 - 18/8, đợt 2 từ 24 - 25/8).
Về giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với các nội dung liên quan của 5 chuyên đề giám sát; tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp.
Chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 7 trước đó.
Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về chuyên đề giám sát quan trọng này.
Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 7, Đoàn giám sát đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết. Đến nay, tài liệu đã được chuẩn bị khá hoàn chỉnh.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và ra nghị quyết đối với chuyên đề giám sát.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của 53 Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp thành 132 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn và trả lời chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 2 nhóm nội dung quan trọng nhất để tiến hành chất vấn.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày làm việc để chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Bộ Tư pháp, tập trung vào các vấn đề về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa cho đến nay; việc nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, công tác kiểm soát quyền lực và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác đấu giá cũng như giám định tư pháp.
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và vấn đề giá gạo, xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về kết quả giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Đây là một chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo kế hoạch và đề cương báo cáo của các chuyên đề giám sát trong năm 2024.
Đảm bảo phiên họp hiệu quả
Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về 11 dự án luật và dự thảo nghị quyết để chuẩn bị nội dung trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Nhóm các luật thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh tại phiên họp này cũng chiếm số lượng không nhỏ, với 3 dự án luật là Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đặt ra nhiều vấn đề có tính chất thời sự, tác động lớn đến các đối tượng. Bảo hiểm xã hội là một lưới an sinh xã hội rất cơ bản, là vấn đề thời sự, được người sử dụng lao động và người lao động đều rất quan tâm.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự thảo nghị quyết quy định chi tiết nội dung được giao để triển khai thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua.
Để bảo đảm phiên họp được tiến hành hiệu quả, đảm bảo chất lượng của các nội dung được xem xét, cho ý kiến, quyết định tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, các tờ trình, các dự án luật, cho ý kiến sâu về những lĩnh vực mà mình phụ trách; tham gia đóng góp cho những nội dung khác của các Ủy ban khác, của các cơ quan khác của Quốc hội.