Khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 14/8/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 8 - Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp lần thứ 25 trong thời gian 7 ngày chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 14 - 18/8/2023; Đợt 2 từ ngày 24 -25/8/2023 để xem xét cho ý kiến về nhiều nội dung và tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nội dung Phiên họp này để tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV và các nội dung khác. Đây là phiên họp có nội dung lớn nhất, kể từ đầu năm đến nay với 20 nội dung.
Để bảo đảm phiên họp được tiến hành hiệu quả, các nội dung được xem xét, cho ý kiến, quyết định tại phiên họp bảo đảm chất lượng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình; cho ý kiến sâu vào những lĩnh vực mình phụ trách.
Đối với các nội dung Chính phủ mới đề nghị bổ sung, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, căn cứ phạm vi, lĩnh vực phụ trách, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan để bám sát tiến độ chuẩn bị, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bố trí chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới để chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trước khi trình tại Kỳ họp thứ Sáu.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý nội dung về chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được thực hiện thường niên vào tháng 3 và tháng 8. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung trao đổi, thảo luận sâu.
Tại Phiên họp thứ 25 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; Nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”; Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023...
Đối với công tác xây dựng pháp luật, tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Liên quan đến quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 657/2019/UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam giai đoạn 2023-2026. Cho ý kiến, xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.