Khai mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 9-12, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 51 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sáng 9-12, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 51 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong thời điểm các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức tổng kết năm 2020 và cả nhiệm kỳ, do đó các đại biểu cần tập trung cao độ, thảo luận những nội dung đã được Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với những nội dung nào cần xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội cũng có ý kiến ngay.
Theo Chương trình, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh (trong đó có việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức); việc thành lập: TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; các phường thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Ủy ban Thường vụ QH; cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc sáng 9-12.
Tiếp đó, với 100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự họp biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm bảy Chương, 58 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021, thay thế cho Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13.
Đáng chú ý, Pháp lệnh mới thông qua đã mở rộng công nhận đối tượng người bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày (có 1.746 người, là số quân nhân và nhân viên vũ trang bị địch bắt trong chiến tranh biên giới phía bắc và số quân nhân bị địch bắt trong chiến tranh biên giới Tây Nam).
Đồng thời, Pháp lệnh mới đã chỉnh lý quy định về các trường hợp được công nhận liệt sĩ nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế, bối cảnh của thời bình, tôn vinh xứng đáng đối với người có công; về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh; về chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học.