Khai mạc Triển lãm thư pháp 'Kinh thành Huế trong thi họa - Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề Đồ hội thi tập'

Chiều 21/1, Bảo tàng gốm cổ Sông Hương tổ chức chương trình Tọa đàm văn hóa nghệ thuật và Triển lãm thư pháp với chủ đề 'Kinh thành Huế trong thi họa - Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề Đồ hội thi tập'.

 Cắt băng khánh thành triển lãm

Cắt băng khánh thành triển lãm

Tọa đàm và triển lãm xoay quanh những sáng tác của Hoàng đế Thiệu Trị (1807 - 1847) được khắc in trong tập thơ "Ngự đề Đồ hội thi tập", từ đó bàn rộng hơn về những thành tựu văn hóa - nghệ thuật - kiến trúc dưới triều vua Thiệu Trị (1841 - 1847).

"Ngự đề đồ hội thi tập" là tập thơ nằm trong hệ thống trước tác đồ sộ của Hoàng đế Thiệu Trị, vị vua thứ 3 của nhà Nguyễn. Tập thơ chia làm 3 phần là "Ngự đề Danh thắng đồ hội thi tập", gồm những bài thơ đề vịnh các cảnh đẹp trong Kinh thành và danh lam thắng cảnh của kinh đô Huế; "Ngự đề Cổ tích đồ hội thi tập": Những bài thơ đề vịnh tích cổ trong lịch sử thể hiện tinh thần giáo huấn hậu thế, làm tấm gương sáng cho cái học đế vương; "Ngự đề Nhân vật đồ hội thi tập" gồm những bài thơ vịnh tả sự vật, các loại hoa quả, muông thú, qua đó thể hiện thâm ý đưa sự giáo hóa vào thơ, dùng thơ để đào thục tính tình, di dưỡng tinh thần.

Chương trình tọa đàm và triển lãm đã giới thiệu đến công chúng 15 tác phẩm thư pháp do các thư pháp gia Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Nam Long Nguyễn Quang Duy, Mặc Sinh Lê Huy Hoàng, Duy Phong Lê Đình Sơn, Diệu Quang Bùi Quang Tuấn, Tiền Hoa Đào Văn Thuận, Nam Phong Bùi Hải Nam, Như Như Nguyễn Thúy Quỳnh thực hiện. Các tác phẩm thể hiện những bài thơ trong "Ngự đề Đồ hội" theo 5 lối viết: triện, lệ, khải, hành, thảo.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, triển lãm đã giới thiệu tới người xem những cảnh đẹp của kinh đô Huế được đề vịnh trong tập thơ ngự chế và qua những hình ảnh tư liệu, với mong muốn phần nào tái hiện được 1 kinh đô lộng lẫy trong thơ. Ngoài ra, thông qua việc trưng bày những tác phẩm thư pháp Hán Nôm nhằm tôn vinh những di sản quý báu của tiền nhân, đưa di sản và văn hóa Hán Nôm đến gần hơn với công chúng để có thêm nguồn động lực cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Tin, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/khai-mac-trien-lam-thu-phap-kinh-thanh-hue-trong-thi-hoa-hoang-de-thieu-tri-va-ngu-de-do-hoi-thi-tap-137248.html