Khai mạc Vesak 2025: Lan tỏa tinh thần đoàn kết, bao dung và tuệ giác vì hòa bình
Sáng 6/5, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2025 khai mạc tại Đại giảng đường Minh Châu, Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM).

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Sri Lanka - Anura Kumara Dissanayaka cùng các đại biểu dự khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025. Ảnh: TTXVN
Sự kiện được xem là hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong năm nay, thu hút sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam và quốc tế.
Chủ tịch nước Lương Cường cùng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Trung ương, TP HCM và các tỉnh, thành đã tham dự buổi lễ. Về phía quốc tế, có sự góp mặt của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc – Hòa thượng PhraBrahmapundit, cùng hơn 1.300 đại biểu quốc tế từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại lễ Vesak 2025 khai mạc với chủ đề đầy ý nghĩa: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững". Chủ đề này không chỉ lan tỏa tinh thần từ bi, vị tha vốn là cốt lõi của đạo Phật, mà còn phản ánh sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, nơi luôn đề cao tinh thần đoàn kết, bao dung trong suốt chiều dài lịch sử.
Thông điệp của Vesak 2025 cũng hài hòa với mục tiêu toàn cầu của Liên Hợp Quốc về hòa bình, phát triển bền vững, và đề cao phẩm giá con người. Đây là dịp trọng đại để cộng đồng Phật tử toàn thế giới cùng tưởng niệm ba sự kiện thiêng liêng trong cuộc đời Đức Phật: đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn. Đồng thời, sự kiện còn là cầu nối văn hóa - tâm linh, góp phần quảng bá hình ảnh Phật giáo Việt Nam ra thế giới, lan tỏa thông điệp hòa bình, hiểu biết và hợp tác giữa các dân tộc.
Đại lễ Vesak 2025 diễn ra từ ngày 6 đến 8/5, đánh dấu lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Phật giáo tầm cỡ toàn cầu, sau các kỳ Vesak vào các năm 2008, 2014 và 2019. Năm nay, lễ hội được tổ chức đúng dịp đất nước kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tạo dấu ấn sâu sắc với bạn bè quốc tế về hình ảnh một Việt Nam phát triển, hòa bình và năng động.
Trước thềm lễ khai mạc, chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc đã được tổ chức, như: thượng đại kỳ Phật giáo rộng 500m², triển lãm thư tịch cổ, bảo vật quốc gia và chương trình nghệ thuật với sự tham gia của các đoàn biểu diễn từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Mông Cổ… góp phần lan tỏa tinh thần hòa bình, hợp tác và hiểu biết giữa các dân tộc.