Khai mở tiềm năng du lịch Đá Bàn
Cảnh quan thiên nhiên đẹp, gắn với lịch sử hào hùng của một căn cứ địa cách mạng, khu vực hồ Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang được nghiên cứu để phát triển du lịch.
Phong cảnh nên thơ
Cách TP. Nha Trang khoảng 50km với giao thông hết sức thuận lợi, hồ Đá Bàn có phong cảnh thiên nhiên đẹp. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ của đơn vị quản lý hồ chứa nước dạo quanh một vòng, ngắm mặt hồ trong xanh, không khí mát mẻ thực sự mang lại cho mọi người cảm giác sảng khoái, yên bình. Trên ven hồ, khi mực nước chưa đạt dung tích tối đa để lộ ra những triền cỏ xanh ngắt. Vượt qua khu vực ven hồ, từng cánh rừng nguyên sinh hiện ra với bao điều hấp dẫn, thú vị, từng con đường mòn len lỏi dưới tán rừng, những con suối trong vắt róc rách ngày đêm, những tảng đá to lớn sừng sững…, tất thảy như hấp lực mê hoặc những ai yêu thích khám phá, đi bộ xuyên rừng hay đơn thuần muốn hòa hợp với thiên nhiên thanh bình, tươi đẹp.
Các sở, ngành, địa phương trao đổi về tiềm năng du lịch tại thực địa.
Nơi đây còn ghi dấu ấn một thời hào hùng của lịch sử - căn cứ địa cách mạng Đá Bàn. Nơi được bao bọc bởi các dãy núi cao, địa thế hiểm trở, những ngọn núi như: Hòn Dục, Mẹ Bồng Con, Hòn Chảo… đã chở che các chiến sĩ cách mạng xưa kia, nay hiện ra với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, trong lành. Đến với rừng núi Đá Bàn còn là dịp để thế hệ trẻ có thể hình dung rõ nét hơn tinh thần, ý chí thép của lực lượng cách mạng tại khu căn cứ địa cách mạng.
Theo kết quả thực địa, khảo sát của Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa vào tháng 4-2022, hiệp hội nhận thấy khu vực hồ Đá Bàn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch với vị trí kết nối giao thông thuận lợi, có cảnh quan thiên nhiên đẹp với hồ, suối, núi rừng tự nhiên, gắn với địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn - di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Xây dựng đề án du lịch
Ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, tháng 6-2021, ban được UBND tỉnh phê duyệt đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí lập Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí khu vực Đá Bàn (gọi tắt là đề án). Sau một thời gian nghiên cứu, thực hiện, tháng 4-2022, ban đã hoàn thiện đề án, trong đó bao gồm việc đánh giá hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; phương án phát triển các tuyến, địa điểm tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Cùng với đó là các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và duy trì chức năng phòng hộ của rừng.
Theo văn bản góp ý của Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa gửi UBND thị xã Ninh Hòa, hồ Đá Bàn đang thuộc quản lý của chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và đơn vị được giao quản lý, khai thác hồ chứa nước. Vì vậy, cần có sự phối hợp, thống nhất về công tác quản lý đối với hoạt động du lịch (nếu có) tại khu vực này. Bên cạnh đó, địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn có giá trị lịch sử cách mạng tiêu biểu, có bia giới thiệu căn cứ cách mạng Đá Bàn. Để phát huy tiềm năng giới thiệu giá trị văn hóa, giá trị lịch sử cách mạng gắn với du lịch trong thời gian tới, địa phương cần quan tâm xây dựng Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ làm nơi để người dân, du khách ghé thăm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.
Theo đó, tổng diện tích lập đề án là 587,27ha. Trong đó, hơn 487ha rừng tự nhiên, gần 80ha chưa có rừng; hơn 11ha diện tích mặt nước; 8,79ha đất nông nghiệp và đất khác. Trên diện tích này, đề án định hướng xây dựng các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí như: trải nghiệm vườn rừng sinh thái, vườn rừng nông nghiệp; điểm sinh thái ven hồ; tham quan di tích lịch sử Đá Bàn; điểm cắm trại, picnic ven suối, ven hồ; điểm tham quan, trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, rèn luyện sức khỏe… Trong các điểm du lịch, tham quan và định hướng tuyến du lịch có dựng các công trình như: khu nhà điều hành du lịch, bungalow ven suối, ven hồ, các chòi nghỉ chân, chòi canh lửa kết hợp ngắm cảnh… phục vụ du khách. Các công trình này được làm từ các vật liệu thân thiện như: gỗ lắp ghép, tranh, tre nứa… Với diện tích có rừng sẽ được định hướng trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, vừa có tính đa dạng sinh học, nâng cao giá trị sử dụng rừng, không làm thay đổi hệ sinh thái của rừng… Đối với diện tích chưa thành rừng (khoảng 80ha) sẽ được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp, cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ… nhằm duy trì và phát triển rừng phòng hộ, đồng thời phục vụ du lịch.
Ngày 14-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được tờ trình của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa về việc thẩm định, phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực Đá Bàn. Ngày 6-5, sở đã tổ chức đoàn công tác gồm các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan như: Sở Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thị xã Ninh Hòa, cơ quan kiểm lâm, thủy lợi… tiến hành khảo sát thực địa khu vực lập đề án. Tại buổi khảo sát thực địa, đại diện các sở, ngành, địa phương đánh giá cao tiềm năng du lịch, trải nghiệm ở khu vực hồ Đá Bàn. Đồng thời, đề nghị đơn vị xây dựng đề án cần thuyết minh các nội dung liên quan đến đầu tư hạ tầng một cách đơn giản, hòa hợp và không tác động đến rừng tự nhiên; nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất khu vực lập đề án cũng như tính khả thi của đề án.
Được biết, sau đợt khảo sát, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan sẽ nghiên cứu thuyết minh đề án, từ đó có ý kiến hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hồng Đăng
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202205/khai-mo-tiem-nang-du-lich-da-ban-8251226/