Khai nhận hối lộ và nộp lại, bị can liệu có thoát án tử?

Vài năm gần đây xuất hiện nhiều đại án, liên quan đến sai phạm của các lãnh đạo cấp cao thuộc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, khi đưa ra truy tố xét xử thì thường là các vụ án về quản lý kinh tế, hành vi phạm tội của quan chức thường được xác định là 'thiếu trách nhiệm' hay 'cố ý làm trái' với mức án không cao. Ít vụ đại án được đưa ra xét xử với tội phạm về tham nhũng ở mức rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, với một tội danh mang tính bản chất mà dư luận luôn quan tâm: nhận hối lộ.

 Ngày 3-9-2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết đã nhận được bản Kết luận điều tra số 73/C03-P14 ngày 31-8-2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Ngày 3-9-2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết đã nhận được bản Kết luận điều tra số 73/C03-P14 ngày 31-8-2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Chính vì vậy trong vụ đại án MobiFone mua AVG, thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp về việc nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã nhận hối lộ số tiền lên tới 3 triệu đô la Mỹ (trên 70 tỉ đồng), và Thứ trưởng của ông vào thời điểm đó là ông Trương Minh Tuấn nhận hối lộ 200 ngàn đô la (gần 5 tỉ đồng) ... đã khiến dư luận rúng động. Vụ án này vẫn đang trong giai đoạn điều tra, chưa đưa ra truy tố và xét xử, nên chưa thể kết luận liệu bị can Nguyễn Bắc Son có bị kết tội đã nhận khoản hối lộ lớn như lời khai của ông hay không, nhưng rõ ràng đây là trường hợp hiếm hoi mà các bị can thừa nhận về tội nhận hối lộ.

Đối với một đất nước như Việt Nam, trong việc bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, vấn đề phẩm chất, đạo đức của cán bộ được đánh giá là vô cùng quan trọng. Nếu người cán bộ vi phạm về phẩm chất đạo đức, kỷ luật thì sẽ lợi dụng, lạm dụng vị trí, chức vụ của mình để đục khoét, tham nhũng tài sản công, đòi hỏi và nhận hối lộ.

Qua lời khai nhận của bị can Nguyễn Bắc Son, nguyên là một người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, đã phần nào cho thấy mức độ đòi hỏi, nhận hối lộ của quan chức cấp cao. Cũng chính vì vậy, trong Bộ luật Hình sự, mặc dù Quốc hội đã loại bỏ hình phạt tử hình trong khá nhiều tội danh, nhưng đối với tội tham nhũng, nhận hối lộ, vẫn giữ nguyên mức hình phạt tử hình. Rất nghiêm khắc.

Theo Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội nhận hối lộ, quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà nhận hối lộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn bị phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định về 7 tội tham nhũng trong luật thì có 2 tội có hình phạt cao nhất là tử hình là Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ. Có 2 tội có hình phạt cao nhất là tù chung thân là Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng tới đối với người khác để trục lợi. Có 3 tội có hình phạt cao nhất là tù có thời hạn từ 15 năm đến 20 năm là các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (tù đến 15 năm); Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ (tù đến 20 năm) và Tội giả mạo trong công tác (tù đến 20 năm).

Bảy tội phạm về tham nhũng là tội phạm rất nghiêm trọng và là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể là: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là tội phạm rất nghiêm trọng, còn 6 tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vì có hình phạt tù trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Việc quy định trong Bộ luật Hình sự các tội phạm về tham nhũng cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng việc đấu tranh với nạn tham nhũng.

Như vậy, trong vụ án MobiFone-AVG, nếu tòa kết tội các bị cáo với số tiền hối lộ đúng như kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, thì căn cứ theo luật, khả năng tòa tuyên mức án tử hình dành cho các bị cáo là khả năng có thể xảy ra.

Qua thông tin trên báo chí, có thể thấy vụ mua bán AVG thực sự là một phi vụ làm ăn, đục khoét công quỹ nhà nước một cách tinh vi, bài bản, có kế hoạch, kịch bản rõ ràng, với sự tiếp tay, của rất nhiều quan chức, bộ ngành liên quan, chứ không riêng Bộ Thông tin và Truyền thông. Dư luận hy vọng vụ án sẽ được điều tra mở rộng, không để bỏ lọt tội phạm.

Một câu hỏi đặt ra là: liệu có cơ hội thoát án tử cho một số bị can hay không? Theo quy định của luật, bị can có thể được ân giảm nếu “đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” - vấn đề này được quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự. Hay nói cụ thể, về lý thuyết, bị can Nguyễn Bắc Son phải nộp lại ít nhất khoảng trên 40 tỉ đồng (nếu kết luận của cơ quan điều tra là chính xác), thì có thể tòa sẽ xem xét có kết án ở mức cao nhất hay không.

Theo thông tin trên báo chí, bị can Nguyễn Bắc Son hiện mới nộp lại 500 triệu đồng, và khai đã giao toàn bộ số tiền nhận hối lộ 3 triệu đô la cho con gái, nhiều lần. Tuy nhiên trong cuộc đối chất do cơ quan điều tra tiến hành, con gái ông Son đã bác bỏ lời khai của bố. Hy vọng những điểm mâu thuẫn, khác biệt này sẽ được cơ quan điều tra làm rõ, xác định được sự thật khách quan.

Người viết bỗng nhớ đến vụ án quan tham Trần Dụ Châu bị tử hình năm 1950. Đây là trường hợp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin ân giảm của kẻ tham nhũng.

Khi ấy, Trần Dụ Châu đang là đại tá, Giám đốc Nha Quân nhu thuộc Bộ Quốc phòng. Có chức vụ cao, quyền hành rộng, trong khi cơ chế kiểm tra, kiểm soát lỏng lẻo, là điều kiện để ông từng bước đi vào con đường sa ngã, tội phạm. Tòa án khi ấy xác định Trần Dụ Châu đã tham nhũng công quỹ số tiền lớn là 57.959 đồng, 149 đô la Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng (lúc này giá gạo là 50 đồng/kg). Trần Dụ Châu còn bị xác định là người chuyên quyền, độc đoán, có lối sống sa đọa... Tòa án binh tối cao đã tuyên phạt Trần Dụ Châu hình phạt tử hình về tội tham nhũng, nhận hối lộ, tịch thu ba phần tư tài sản, tang vật hối lộ và phạt tiền gấp đôi giá trị hối lộ và biển thủ. Ngay sau khi tuyên án một ngày, bản án được thi hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu.

Trên báo Cứu Quốc ngày 27-9-1950 có bài xã luận nêu: “Vụ án Trần Dụ Châu có ý nghĩa lớn lao, làm toàn thể nhân dân bằng lòng và thêm tin tưởng ở chính quyền. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa. Vụ án đã cho chính quyền nhiều kinh nghiệm trong việc dùng cán bộ, giáo dục và kiểm soát cán bộ. Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những kẻ tham ô, sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác, để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng”.

(*) Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh

LS. Trần Hồng Phong (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293695/khai-nhan-hoi-lo-va-nop-lai-bi-can-lieu-co-thoat-an-tu.html