Khai phá tiềm năng du lịch tàu biển

Với tệp khách quốc tế cao cấp, du lịch tàu biển có thể mang lại nguồn thu lớn nhưng vẫn chưa phát triển xứng tiềm năng; do đó, cần có các chính sách phù hợp để khai thác đúng cách, phát huy tối đa hiệu quả loại hình du lịch này.

Việt Nam liên tiếp đón du khách quốc tế bằng đường tàu biển. Nguồn:ITN

Việt Nam liên tiếp đón du khách quốc tế bằng đường tàu biển. Nguồn:ITN

Liên tiếp đón tàu du lịch biển

Những ngày đầu tháng 3.2024, các chuyến tàu biển đưa khách du lịch từ các thị trường Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc… liên tục cập cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng). Theothống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay đã có gần 20 chuyến tàu biển, đưa gần 20.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi tại địa phương này. Đà Nẵng cũng xác định kháchdu lịch tàu biển sẽ là thị trường khách quốc tế quan trọng, bởi mỗi chuyến tàu cập cảng thường chở theo số lượng khách rất đông, với mức chi tiêu cao. Dự kiến, năm 2024 thành phố sẽ đón 45 chuyến tàu biển.

Mới đây, tàu du lịch biển Celebrity Millennium đã cập cảng Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chở theo 3.000 du khách. Công ty Lữ hành Saigon Tourist cho biết, những du khách đa quốc tịch này sẽ tham gia các tour đặc biệt khám phá TP. Hồ Chí Minh sôi động; đạp xe xuyên rừng cao su ở Đông Nam bộ; khám phá địa đạo Củ Chi; cùng với đó là các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm nét văn hóa, đời sống, ẩm thực đặc trưng của TP. Hồ Chí Minh.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động đón khách du lịch bằng đường tàu biển tại cảng Chân Mây diễn ra từ năm 2013. Trong giai đoạn 2018 - 12.2023, cảng Chân Mây và các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 128 lượt tàu du lịch, với 234.957 khách. Năm nay, đã có 40 tàu đăng ký cập cảng, với 73.097 khách cùng 31.228 thủy thủ đoàn; riêng 2 tháng đầu năm, tỉnh đã đón 17 chuyến tàu du lịch với hàng chục nghìn du khách và thủy thủ đoàn.

Còn tại Khánh Hòa, theo dự kiến, năm nay sẽ đón 43 lượt tàu biển đến vịnh Nha Trang để tham quan, thưởng ngoạn. Đây đều là những tàu du lịch biển đẳng cấp, sang trọng, phần lớn mang quốc tịch Bahamas, Malta, Marshall Island, Ukraine, Pháp, Italy… Hiện, các doanh nghiệp kinh doanh tour và các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thiết kế nhiều tour, chương trình tham quan để phục vụ du khách...

Khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Vì vậy, các nước phát triển trên thế giới rất ưa chuộng và khai thác triệt để.

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển, bởi nước ta sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo, cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích văn hóa lịch sử lâu đời. Với vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, nhiều điểm phát triển cảng biển du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Quảng Ninh... khiến du lịch tàu biển trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh thời gian qua. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định, du lịch biển đảo là ưu tiên số một.

Cần chính sách visa linh hoạt

Dù vậy, PGS.TS. Phạm Trung Lương, chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch tàu biển chưa thực sự phát triển hiệu quả; Việt Nam hiện chưa có cảng chuyên về du lịch biển, chỉ có Hạ Long (Quảng Ninh) là có cầu cảng khách quốc tế. Thực tế, du lịch tàu biển thu hút nhiều dòng khách cao cấp. Tuy nhiên, vì không có cảng chuyên về du lịch biển nên dịch vụ đi kèm cũng còn hạn chế, chưa đồng bộ, không thể giữ chân dòng khách này ở lại qua đêm; khách vẫn có xu hướng xuống tàu tham quan một số điểm rồi sẽ về lại trên tàu. Đồng thời, chính sách visa cũng là rào cản khi thời gian nhập cảnh đi tàu biển còn ngắn, chưa thật linh hoạt; đây là những vấn đề mà ngành cần sớm khắc phục.

Chia sẻ với ý kiến trên, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhấn mạnh, cần đổi mới, tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch tàu biển tại các cảng biển theo hướng nhanh chóng, tiện lợi và thông thoáng nhất. Cùng với đó, cần đẩy mạnh quy hoạch ở những địa phương có tiềm năng đầu tư, xây dựng những cảng biển quốc tế lớn, tổ chức sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để khách lưu trú trên bờ lâu hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng chiến lược tổng thể, đề xuất chính sách khai thác hiệu quả hơn nữa “mỏ vàng” du lịch tàu biển.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhìn nhận, du lịch tàu biển là loại hình hết sức tiềm năng cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Muốn phát triển chuyên nghiệp, quy mô, thu hút được nhiều khách hơn, phải tập trung vào ba vấn đề lớn là hạ tầng cảng biển, tài nguyên điểm đến và chất lượng điều hành của công ty du lịch.

Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang chủ động làm tốt khâu xác định sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, chất lượng điều hành, tiếp cận nguồn khách tiềm năng, triển khai xúc tiến quảng bá du lịch. Điều kiện cần là các cơ quan quản lý nhà nước cùng với địa phương và các cảng biển phối hợp với nhau để trong dài hạn có thể đón khách tàu biển giống như đón khách ở cảng hàng không, đòi hỏi phải làm tốt cả về hạ tầng, chính sách lẫn lực lượng. Ngoài ra, các thành phố có tiềm năng phát triển loại hình này cần sớm có đề án phát triển du lịch tàu biển, cảng dành cho du lịch tàu biển.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/khai-pha-tiem-nang-du-lich-tau-bien-i362852/