Khai phá tiềm năng hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong ngành công nghiệp bán dẫn

Các doanh nghiệp bán dẫn Việt Nam và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội lớn, cần phải nắm bắt nhu cầu của nhau, hướng tới mục tiêu chung cùng đồng hành phát triển ngành bán dẫn trong tương lai.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội nghị. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội nghị. (Nguồn: TTXVN)

Đó là thông điệp đưa ra tại Hội thảo Tương lai ngành bán dẫn Việt Nam với chủ đề “Cơ hội và kỳ vọng giữa Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới” tổ chức tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/7.

Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chủ trì, phối hợp với Tập đoàn FPT, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Nhật Bản, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng tổ chức.

Tham dự Hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, đại diện lãnh đạo METI, Ngân hàng Sumitomo Mitsui, cùng khoảng 300 khách mời là đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành bán dẫn của Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Phạm Quang Hiệu đề cao ý nghĩa của Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh rằng, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp bán dẫn hai nước nắm bắt nhu cầu của nhau, hướng tới mục tiêu chung cùng đồng hành phát triển ngành bán dẫn trong tương lai.

Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, Hội thảo diễn ra đúng thời điểm các ban, bộ, ngành Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng như Đề án phát triển nguồn nhân lực cùng với cơ chế ưu đãi phù hợp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất, thiết kế bán dẫn hàng đầu của nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư; đồng thời xây dựng hệ sinh thái ngành bán dẫn quốc gia với sự tham gia của các bên, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức tài chính, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

"Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp được hun đúc giữa hai nước trong 50 năm qua, Việt Nam kỳ vọng sẽ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn, thúc đẩy đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, trao đổi nhân lực, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.

Ông Shimizu Eiji, Trưởng phòng Chiến lược bán dẫn, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trình bày tham luận. (Nguồn: TTXVN)

Ông Shimizu Eiji, Trưởng phòng Chiến lược bán dẫn, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trình bày tham luận. (Nguồn: TTXVN)

Về phần mình, ông Shimizu Eiji, Trưởng phòng Chiến lược bán dẫn, thuộc METI khẳng định, Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhằm hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.

Chiến lược sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản gồm hai trụ cột chính là thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài bằng cách ban hành các gói trợ cấp và triển khai các dự án đầy tham vọng để giành lại vị thế dẫn đầu trong công nghệ chip, giảm nguy cơ phụ thuộc vào nguồn cung không ổn định từ bên ngoài. Dựa vào con số tính toán và lợi ích thực tế, có thể nói, công nghiệp bán dẫn rất có triển vọng và sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ trong trung và dài hạn.

Theo ông Shimizu Eiji, dư địa hợp tác giữa doanh nghiệp bán dẫn Việt Nam và Nhật Bản là rất lớn nên điều quan trọng là hai bên phải nắm bắt được cơ hội và có những giải pháp cụ thể nhằm tận dụng và phát huy thế mạnh của mỗi nước, đóng góp vào thành công chung của hợp tác bán dẫn trong tương lai.

Chủ tịch tập đoàn bán dẫn lớn nhất Nhật Bản - Rapidus phát biểu. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch tập đoàn bán dẫn lớn nhất Nhật Bản - Rapidus phát biểu. (Nguồn: TTXVN)

Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cơ chế chính sách ưu đãi… sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư lớn của nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.

Hiện nay, NIC đang trình Chính phủ Chiến lược phát triển ngành bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Việt Nam xác định sẽ tham gia một phần trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, cụ thể là giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao nói chung. Đây là nội dung quan trọng, có tiềm năng hợp tác rất lớn từ Chính phủ, các trường đại học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu… của hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến chất lượng khác như đại diện Ngân hàng Sumitomo Mitsui về “Hiện trạng và triển vọng ngành bán dẫn châu Á”, của Chủ tịch Ủy ban Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam Trương Gia Bình về “Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác tự nhiên ngành bán dẫn”, của đại diện Renesas Electronics về “Lợi thế và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”…

Hội thảo Tương lai ngành bán dẫn Việt Nam “Cơ hội và kỳ vọng giữa Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới” được xem là bước khởi động, mở ra những cơ hội mới và lớn hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp của hai nước có thể cùng khai thác lợi thế của mỗi bên, hợp tác và cùng phát triển, mang lại những lợi ích to lớn để phát triển đất nước.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC cho biết, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cơ chế chính sách ưu đãi… sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư lớn của nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC cho biết, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cơ chế chính sách ưu đãi… sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư lớn của nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)

(theo ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản)

Nhã Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khai-pha-tiem-nang-hop-tac-viet-nam-nhat-ban-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-278139.html