Khai phá tiềm năng, mở đường đón khách
Năm 2025, ngành du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón số khách lên tới 16 triệu lượt, tổng doanh thu 45,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn hẳn con số đạt được của năm 2024. Để hiện thực mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thêm nhiều dịch vụ, được xem như là đang mở ra những con đường để mời khách đến với xứ Thanh.
Một trong những việc làm cụ thể, đó là công bố các tuyến du lịch đi bộ đường dài và khám phá thiên nhiên (trekking tour) tại các huyện miền núi của tỉnh, gồm 12 tuyến trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân. Và chỉ sau gần 1 tháng công bố, sản phẩm du lịch mới mẻ này đã được nhiều đơn vị lữ hành trong nước khai thác, du khách đón nhận, đánh giá cao.
Cùng với đó, mới đây tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, chủ trương phát triển thành công 6 dòng sản phẩm chính tại 29 điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn; hướng 5 không gian phát triển du lịch nông nghiệp và 3 tuyến du lịch nông nghiệp.
Là tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn, việc khai thác, phát triển du lịch từ nghề canh nông đã được một số doanh nghiệp và gia đình ở Thanh Hóa quan tâm, nhưng cơ bản vẫn mang tính tự phát. Trên địa bàn dù đã có một số mô hình du lịch nông nghiệp như Nông trại Golden Cow (Thường Xuân), Nông trại Queen Farm (Quảng Xương), Nông trại T-Farm (Đông Sơn), Làng Du lịch Yên Trung (Yên Định)... nhưng về cơ bản tại đây khách du lịch mới trải nghiệm quá trình sản xuất và hưởng thụ sản phẩm tươi sống tại chỗ, nguồn thu từ du khách chưa đáng kể.
Với mong muốn bước ra khỏi trạng thái tự phát để từng bước chuyên nghiệp, việc tỉnh Thanh Hóa xây dựng Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 được xem là bước đi phù hợp khi đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 du lịch nông nghiệp Thanh Hóa đón hơn 1,1 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch nông nghiệp đạt 741 tỷ đồng, thu hút 9.000 lao động tham gia.
Lâu nay, một bộ phận khách du lịch có ý kiến rằng, sản phẩm du lịch của Thanh Hóa quanh đi quẩn lại cũng chỉ tắm biển, tắm thác, khám phá di tích, nghỉ dưỡng ở vùng đệm các khu bảo tồn, là những hình thức du lịch có tính truyền thống, trong khi du khách mong muốn được trải nghiệm các loại hình du lịch mới, tính khám phá cao hơn. Du lịch nông nghiệp sinh thái và trekking tour được xem là những sản phẩm có thể đem đến những mảng màu tươi mới để kéo dài thời gian và gia tăng mức độ chi tiêu của du khách khi đến Thanh Hóa, cũng nhằm từng bước hoàn thiện bức tranh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” như slogan mà tỉnh Thanh Hóa công bố. Hướng đi đã mở và tài nguyên đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi, vấn đề còn lại là hành động của con người theo tinh thần mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã đặt ra tại Lễ công bố các tuyến du lịch đi bộ trong rừng tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đó là, các bên liên quan phải thực sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, vì lợi ích chung. Không chấp nhận cách làm du lịch theo kiểu “tăng trưởng nóng” với tầm nhìn ngắn hạn, hủy hoại tài nguyên, được một mất hai.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khai-pha-tiem-nang-mo-duong-don-khach-235616.htm