Linh hoạt trong công tác điều hành thị trường năm 2025
Công tác tham mưu điều hành thị trường trong năm 2025 phải đảm bảo mục tiêu vừa ổn định thị trường, vừa góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Công tác tham mưu điều hành thị trường năm 2024 được thực hiện tốt
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước quý IV năm 2024 diễn ra sáng ngày 7/1/2025, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, ngày 6/1, Tổng cục Thống kê đã công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2024. Các chỉ số cho thấy nhìn chung, tình hình kinh tế năm 2024 đã đạt được các chỉ số vĩ mô như đã đề ra, lạm phát được kiểm soát tốt.
Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 9% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%).
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp điều hành thị trường linh hoạt nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu của thị trường trong nước đã có sự đóng góp kịp thời của Tổ Điều hành thị trường trong nước trong việc tham mưu triển khai các giải pháp điều tiết thị trường, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp điều hành giá, xuất cấp hàng hóa kịp thời cho người dân bị thiệt hại trong cơn bão số 3, kịp thời cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa phục vụ đời sống người dân.
Bên cạnh đó, năm 2024, giá các mặt hàng do nhà nước định giá đã được điều hành thận trọng: giá dịch vụ y tế không thay đổi; giá điện được điều chỉnh 1 lần; giữ mức học phí như năm ngoái… Việc kiểm soát tốt các mặt hàng giá này đã góp phần quan trọng trong kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, các chính sách điều chỉnh thuế phí, chính sách tiền tệ cũng góp phần cho mục tiêu điều hành chung.
“Ngoài ra, một điểm khách quan khác là sự hạ nhiệt lạm phát thế giới giúp cũng giúp hạ nhiệt nhập khẩu lạm phát, góp phần cho kết quả chung” – bà Nguyễn Thu Oanh chia sẻ.
Theo đại diện Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính, năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính là đã ban hành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về giá, từ Luật Giá đến các Nghị định, Thông tư. Như vậy, hệ thống văn bản đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu tôn trọng yếu tố thị trường và các yếu tố liên quan trong công tác điều hành giá, tạo dư địa thuận lợi cho công tác điều hành trong những năm tiếp theo.
Năm 2025, song hành giữa mục tiêu ổn định thị trường và tăng trưởng kinh tế
Bước vào năm 2025, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội 13, yêu cầu ưu tiên tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Mục tiêu chỉ số CPI được kiểm soát ở mức 4,5%. Đây là mức không quá nặng nề với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ thời gian qua.
Tuy nhiên, mục tiêu này không nên chủ quan vì có những yếu nằm ngoài tầm kiểm soát như tình hình chiến sự trên thế giới còn diễn biến phức tạp; cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn; thời tiết cực đoan khiến đứt gãy cung ứng, ảnh hưởng đến các mặt hàng chiến lược, gây ra mất an ninh lương thực năng lượng; chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống tái đắc cử Donald Trump dự báo tác động đến hoạt động xuất khẩu…
Ở thị trường trong nước, áp lực cũng đến khi chi phí nhập khẩu tăng khi cả nước đang nhập khẩu hơn 94% tư liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên nếu giá thế giới tăng sẽ tác động giá cả hàng hóa sản xuất trong nước, tác động đến tình hình lạm phát và giá tiêu dùng. Chưa kể, nhiều mặt hàng giá do nhà nước quản lý phải đến chu kỳ tăng giá cũng gây tác động đến chi phí giá…
Ở chiều ngược lại, nước ta cũng có một số yếu tố giúp kiềm chế CPI như có nguồn lương thực thực phẩm dồi dào; chính giảm thuế VAT; chủ trương ổn định kinh tế kỳ vọng sẽ giúp ổn định lạm phát. Do đó, Tổng cục Thống kê đã đưa ra các kịch bản về điều hành giá trong năm 2025, trong đó kịch bản 1 là CPI ở mức 3,8%; kịch bản 2 là CPI ở mức 4,2% và kịch bản thứ 3 là 4,5%.
Đại diện Cục Quản lý giá cho biết thêm, qua công tác điều hành thị trường cho thấy những yếu tố năm 2025 ảnh hưởng đến điều hành giá là các yếu tố giá cả thị trường thế giới. Đặc biệt, việc đứt gẫy chuỗi cung ứng do tình hình chiến sự có thể gây ảnh hưởng đến chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có các Nghị định hướng dẫn Luật Giá, trong đó đã đẩy mạnh khâu hậu kiểm. Tức là các bộ, ngành không trực tiếp giám sát giá mà đã đưa một số dịch vụ vào diện kê khai giá, giúp các cơ quan quản lý nắm thông tin để có dự báo, có thông tin chính xác công khai cho xã hội. Đây là điều kiện để công tác điều hành giá thuận lợi hơn.
Đánh giá cao công tác điều hành thị trường trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân – Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết, năm 2024, các chỉ số đều đạt, trong đó CPI đạt 3,63% (mức trần là 4,5%). Nhưng nếu kiềm chế CPI thấp quá cũng không phải là tốt.
“Năm 2025, trên đà năm 2024 đang khí thế, là cơ hội để tăng tốc, bứt phá đạt các mục tiêu kinh tế. Cho nên công tác tham mưu điều hành thị trường cũng phải tính toán sao cho linh hoạt. Có thể đẩy kịch bản CPI tiệm cận với chỉ số quốc hội cho phép là 4,5% để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh. Đồng thời, cho biết không chỉ năm 2025 mà những năm tiếp theo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tuyên bố phát triển ở mức 2 con số, cho nên công tác tham mưu điều hành phải kịp thời điều chỉnh thích ứng với thị trường.