Khai quật đền cổ 6.000 tuổi, hé lộ nghi lễ máu rợn người
Các nhà khảo cổ đã khai quật một quần thể đền thờ 6.000 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ với 'kênh máu'. Phát hiện này hé lộ nghi lễ hiến tế người và động vật rùng rợn.

Một quần thể đền thờ có niên đại khoảng 6.000 tuổi đã được phát hiện tại khu vực gò Tadım gần Elazığ, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là công trình tôn giáo - tín ngưỡng cổ nhất được biết đến ở lưu vực thượng Euphrates, điểm giao thoa văn hóa quan trọng của các nền văn minh cổ xưa. Ảnh: AA Photo.

Cuộc khai quật do Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Elazığ đã tìm thấy tàn tích của quần thể đền thờ cổ xưa hé lộ thêm thông tin về kiến trúc tôn giáo thời kỳ đầu trong khu vực. Ảnh: Adem Said Kocadag / CC BY-SA 2.0.

Khám phá nổi bật nhất trong quần thể đền thờ là một "kênh máu" nghi lễ chứa nhiều hài cốt người và động vật, được nối với một phiến đá bàn thờ đầy vết dao cắt. Ảnh: arkeonews.

"Kênh máu" đóng vai trò như một hệ thống thoát nước đáng sợ, đưa máu và nội tạng của các nạn nhân bị hiến tế vào một hố sâu. Phát hiện này cho thấy các nghi lễ được người xưa tổ chức rất bài bản. Ảnh: İsmail Şen / Anadolu Agency (AA).

Bên trong quần thể đền thờ, các nhà khảo cổ đã phát hiện 4 bục thờ có thể được sử dụng để đặt lễ vật cầu nguyện, một lò sưởi linh thiêng và nhiều hiện vật nghi lễ khác nhau, phản ánh tín ngưỡng tâm linh của các cộng đồng cổ đại từng sống tại miền đất này. Ảnh: İsmail Şen / Anadolu Agency (AA).

Các đồ vật nghi lễ được tìm thấy tại đây bao gồm đồ gốm, dấu triện dùng trong giao dịch nông nghiệp, đầu mũi tên, vòng xoắn dùng trong dệt may. Đáng chú ý là các bức tượng thần được chế tác từ đá, đất sét và xương. Những bức tượng trên tượng trưng cho một số hình thức biểu đạt tôn giáo mang tính biểu tượng sớm nhất được biết đến trong khu vực, có niên đại sớm hơn nhiều địa điểm tôn giáo nổi tiếng. Ảnh: AA Photo.

Nhà giám sát khảo cổ Ergün Demir, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết ngôi đền đã được xây dựng với nền đá vụn và tường gạch bùn. Đó là một kỹ thuật giúp chống chịu được cả thiên tai và các cuộc xâm lược. Bố cục của công trình gợi ý về quy hoạch đô thị sơ khai với các cấu trúc gần nhau, biểu thị sự sắp xếp có chủ đích để thuận lợi cho các sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: AA Photo.

Việc phát hiện "kênh máu" củng cố thêm bằng chứng về các nghi lễ hiến tế con người ở Thổ Nhĩ Kỳ thời Đồ Đồng. Những khám phá gần đây trong khu vực cho thấy lễ hiến tế phổ biến hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Ảnh: AA Photo.

Những vết dao trên phiến đá bàn thờ cho thấy nó nhiều lần được sử dụng cho lễ hiến tế động vật và con người. Từ đây, giới nghiên cứu cho rằng, người xưa đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho những nghi lễ rùng rợn này. Ảnh: AA Photo.

Vị trí của ngôi đền gần sông Euphrates khiến công trình trở thành một ngã tư văn hóa quan trọng, nơi ảnh hưởng của nền văn minh Lưỡng Hà hòa quyện với truyền thống Anatolian ở. Thêm nữa, vị trí chiến lược này có thể đã nâng cao tầm quan trọng của ngôi đền như một trung tâm tôn giáo trong khu vực, thu hút khách hành hương và củng cố vai trò của nó trong quá trình hình thành nhà nước ban đầu. Ảnh: AA Photo.
Mời độc giả xem video: Hé lộ nền văn minh đã mất tích qua tàn tích khảo cổ.