Khai quật hơn 9.300 hiện vật từ tháp đôi Chăm 1.000 năm tuổi ở Huế

Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cho biết, cuộc khai quật khảo cổ giai đoạn 2 tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc đã hoàn tất, thu được hơn 9.300 tiêu bản và mảnh hiện vật quan trọng.

Cuộc khai quật Di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VH&TT TP Huế thực hiện từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6-2025, tiếp nối giai đoạn 1 (năm 2024) với nhiều phát hiện mới, khẳng định giá trị to lớn của cụm tháp.

Di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc tọa lạc tại phường Kim Trà (TP Huế), là công trình kiến trúc Chăm đặc trưng, được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1994. Theo giới chuyên môn, dù xuống cấp, đây vẫn là cụm tháp Chăm được bảo tồn tốt nhất hiện nay.

 Di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc được khai quật hai giai đoạn vào năm 2024 và 2025.

Di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc được khai quật hai giai đoạn vào năm 2024 và 2025.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH&TT TP Huế - cho biết đợt khai quật tập trung làm rõ quy mô, kết cấu nền móng của tháp Bắc, tháp Nam và giới hạn tường bao. Các nhà khảo cổ đã mở 2 hố khai quật diện tích 60m², cùng 2 hố thám sát 6m², làm xuất lộ nền móng, tường bao và nhiều chi tiết kiến trúc quan trọng.

Hiện vật thu được gồm gạch, ngói, vật liệu trang trí, mảnh bia ký chữ Phạn (thế kỷ 10), gốm, sành, sứ Trung Quốc, đồ đồng... Kết quả cũng khẳng định Tháp đôi Liễu Cốc là tổ hợp kiến trúc hiếm thấy, chỉ gồm hai đền tháp thờ chính.

Ông Nguyễn Ngọc Chất - cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chủ trì khai quật nhận định, di tích được quy hoạch trên nền đất phẳng, xử lý móng bằng đất sét pha cát và laterite đỏ, bao quanh bởi tường, lối vào qua tháp Cổng. Tháp Nam có kết cấu gồm móng, đế, thân, mái với nhiều chi tiết tinh xảo.

Đáng chú ý, kiến trúc tháp Nam được đánh giá có quy mô lớn, công phu hơn tháp Bắc. Theo phân tích, tháp Bắc có thể xây vào cuối thế kỷ 9, còn tháp Nam vào đầu thế kỷ 10, cách nhau khoảng 10–20 năm, giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách nghệ thuật Đồng Dương và Bình Định.

 Ngày 8/7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế tổ chức công bố kết quả thăm dò và khai quật giai đoạn 2 di tích.

Ngày 8/7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế tổ chức công bố kết quả thăm dò và khai quật giai đoạn 2 di tích.

Thông qua hố thám sát, đoàn xác định không có tháp thứ 3 trong khuôn viên, qua đó khẳng định Tháp đôi Liễu Cốc là mô hình kiến trúc độc đáo, hiếm gặp trong hệ thống đền tháp Chăm ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Tại buổi báo cáo về cuộc khai quật giai đoạn 2, các chuyên gia kiến nghị tiếp tục khai quật để làm rõ tổng thể di tích, nghiên cứu bảo tồn, dựng mái che bảo vệ hai tháp chính, phục dựng cảnh quan và miếu Dương Phi.

Cũng theo TS. Phan Thanh Hải, việc nghiên cứu và bảo tồn Tháp đôi Liễu Cốc không chỉ làm rõ giá trị di sản văn hóa Champa tại Huế, mà còn mở ra hướng xây dựng không gian trưng bày chuyên đề hoặc bảo tàng văn hóa Champa tại chỗ, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch văn hóa – di sản của TP Huế.

 Hơn 9.300 tiêu bản và mảnh hiện vật quan trọng được phát hiện qua công tác khai quật.

Hơn 9.300 tiêu bản và mảnh hiện vật quan trọng được phát hiện qua công tác khai quật.

Giới chuyên gia nhận định, Tháp đôi Liễu Cốc là di tích Champa hiếm hoi còn xuất lộ trên mặt đất, tính từ Bắc Mỹ Sơn trở ra, khác biệt với các đền tháp ở miền Trung bởi chỉ có 2 đền tháp chính.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã ghi danh và xếp hạng Tháp đôi Liễu Cốc là di tích cổ ở Việt Nam và Đông Dương. Năm 1994, công trình được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/khai-quat-hon-9-300-hien-vat-tu-thap-doi-cham-1-000-nam-tuoi-o-hue-180650.html