Tháp Bà Ponagar trở thành di tích quốc gia đặc biệt
Khánh Hòa đón nhận bằng chứng nhận Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa'.
Tối 10/7, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa".

Khánh Hòa đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar.
Tại buổi lễ, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tháp Bà Ponaga được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1979, lễ hội Tháp Bà cũng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012.
Tháp Bà Ponagar được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 152, ngày 17/1/2025; "Tri thức khai thác, chế biến Trầm hương Khánh Hòa" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1651, ngày 3/6/2025.

Di tích Tháp Bà Ponagar vừa được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
"Đây là di tích có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng Chăm - Việt qua hình tượng nữ thần Pô Inư Nagar/Thiên Y A Na Thánh mẫu - Bà Mẹ Xứ Sở. Đây cũng là biểu tượng của tín ngưỡng văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng dân tộc Việt và Chăm, được duy trì, tiếp nối liên tục và đã trở thành trung tâm thờ mẫu của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ để cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc", ông Nam cho biết.

Khánh Hòa đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa".
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa" là kết tinh của bàn tay, khối óc và truyền thống lâu đời, tỉnh Khánh Hòa khẳng định vị thế là vùng đất giàu bản sắc, nơi quá khứ và hiện tại giao hòa trong từng nếp sống văn hóa.
Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, hiện nay, nghề khai thác Trầm hương Khánh Hòa vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ những tri thức dân gian trong việc duy trì những kinh nghiệm để phát triển, tái tạo, chế tác làm phong phú và đa dạng các sản phẩm trầm hương đến với mọi người, mọi nhà. Từ đó, tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và là quà tặng du lịch độc đáo của du khách khi đến với Xứ Trầm hương - tỉnh Khánh Hòa.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới đây tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh các nội dung, giải pháp cụ thể nhằm góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Khánh Hòa gắn với di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa".

Đóng gói sản phẩm nhang trầm ở Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, từ lâu, Khánh Hòa được mệnh danh là "Xứ Trầm hương", nơi nghề Trầm gắn liền với hình tượng nữ thần Ponaga - Thiên Y A Na, được tôn vinh là thủy tổ nghề.
Hiện nay, nhiều làng nghề, hợp tác xã và hộ gia đình ở Khánh Hòa vẫn duy trì và phát triển nghề truyền thống này, tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc như nhang trầm, vòng trầm, tinh dầu trầm… Trong đó, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và vươn ra thị trường quốc tế.