Khái quát nghi lễ Phật giáo tại miền Bắc trước phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX

Nghi lễ Phật giáo là một trong nhưng phương tiện hữu hiệu nhất trong việc truyền bá và phát triển Phật giáo từ hàng nghìn năm nay trên đất nước Việt Nam.

Mục lục bài viết

Nghi lễ Phật giáo là một trong nhưng phương tiện hữu hiệu nhất trong việc truyền bá và phát triển Phật giáo từ hàng nghìn năm nay trên đất nước Việt Nam.

I. Mở đầu
II. Nghi lễ Phật giáo ở miền Bắc trước phong trào chấn hưng

1. Phẩm chất đạo đức tu sĩ – phật tử
2. Nghi thức các khóa lễ trong Phật giáo
3. Hình thức thờ tự

III. Kết luận

Nghi lễ Phật giáo là một trong nhưng phương tiện hữu hiệu nhất trong việc truyền bá và phát triển Phật giáo từ hàng nghìn năm nay trên đất nước Việt Nam.

Tác giả: Thích Nhuận Giác
Học viên Cao học Khóa 5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

I. Mở đầu

Du nhập và phát triển trên đất nước Việt Nam đã hơn 2000 năm lịch sử, dù ở giai đoạn nào, Phật giáo luôn khẳng định là một bộ phận văn hóa không thể thiếu, cùng chung sức tạo nên một bản sắc văn hóa Việt, là nhu cầu đáp ứng tinh thần quan trọng của người dân từ xưa. Trong đó, bộ phận nghi lễ Phật giáo giữ vị trí rất quan trọng, một mặt truyền tải giáo lý nhà Phật đến quần chúng, mặt khác góp phần tạo bản sắc văn hóa dân tộc thêm đa dạng và phong phú.

Nói đến nghi lễ Phật giáo Việt Nam, trải qua thời gian dài, các nghi lễ Phật giáo ngày càng để lại trong sinh hoạt văn hóa của của người dân Việt nhiều điều ấn tượng, trở thành những nét đẹp không thể thiếu trong đời sống. Để có được vị trí thành công như vậy, Phật giáo đã trải qua nhiều quá trình tiếp biến, hòa nhập với bản sắc văn hóa từng địa phương người Việt.

Từ khi du nhập cho đến nay, trải qua những thời gian thăng trầm, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay. Đến đầu thế kỉ XX, cùng với những chuyển biến về chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam và những biểu hiện suy yếu ngay bên trong Phật giáo trên nhiều phương diện đã dẫn đến sự ra đời của các tổ chức Phật giáo với mục tiêu chấn hưng đạo pháp, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển chung của dân tộc và thời đại.

Một trong những mục tiêu chính được các tổ chức chấn hưng Phật giáo là cải cách nghi lễ, vừa duy trì giáo lý vừa bắt kịp nhịp sống thay đổi thời đại mới. Thế nhưng, sự ra đời và cách thức hoạt động của các tổ chức Phật giáo ở ba miền đều mang tính chất riêng rẽ, không có sự liên kết thống nhất, còn nhiều hạn chế.

Cho đến nay, có khá nhiều công trình nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong nữa đầu thế kỉ XX. Trong đó có nhiều công trình nghiên cứu tổng hợp các hội Phật giáo ở cả ba miền hoặc chỉ nghiên cứu riêng biệt về một miền, chuyên biệt về một hội Phật giáo cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về hoạt động cải cách nghi lễ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo diễn ra từ nửa đầu thế kỉ XX.

II. Nghi lễ Phật giáo ở miền Bắc trước phong trào chấn hưng

Từ buổi đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo mang trong mình những nghi lễ thờ cúng nhằm truyền dạy những lời dạy của đức Phật đến mọi người trong quần chúng. Đây chính là con đường nhanh nhất giúp Phật giáo hòa nhập vào đời sống xã hội, hòa nhập với những phong tục tập quán xưa của người Việt.

Trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử lược, tác giả Nguyễn Lang mô tả hình ảnh giao tiếp giữa những nghi lễ Phật giáo đầu tiên với người Việt: “Nhưng nếu hồi đó có người Giao Chỉ theo đạo Phật thì đạo Phật đây cũng chỉ mới là những sinh hoạt tín ngưỡng đơn sơ của người cư sĩ, giới hạn trong sự đọc tụng tam quy, cúng dường Phật tháp và bố thí cho người đau ốm đói khổ mà thôi, chứ chưa có sự học hỏi kinh điển và chế độ tăng sĩ”[1].

Như vậy, những nghi lễ Phật giáo sơ khai đã làm tiền đề mở đường cho công cuộc mang Phật giáo truyền vào Giao Chỉ từ những tu sĩ Ấn Độ. Trải qua thời gian, sự tiếp nhận các nghi lễ Phật giáo từ người Việt cộng với việc đẩy mạnh truyền bá giáo lý từ các tu sĩ Phật giáo Ấn Độ, các nghi lễ, hình thức sinh hoạt Phật giáo dần trở thành những nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống người Việt xưa.

Cho đến ngày nay, nghi lễ Phật giáo trải qua nhiều quá trình tiếp biến, cải cách để có được thống nhất chung. Trong quá trình đó, không thể không nhắc đến vai trò hoạt động cải cách nghi lễ trong phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra từ nửa đầu thế kỉ XX.

Nói đến nghi lễ Phật giáo, nhiều người chỉ liên tưởng đến các nghi thức tụng niệm, lễ bái hoặc ứng phó đàn tràng thường thấy… Tuy nhiên, nghi lễ Phật giáo bao gồm nhiều hình thức khác như: lễ nghi, lễ đường, lễ bái, lễ phục, lễ tụng, lễ khí… Như vậy có thể thấy, nghi lễ Phật giáo có ý nghĩa rất rộng, bao gồm cả hành vi, thái độ, tín ngưỡng, văn hóa… Phật giáo là con đường, là chân lý hướng dẫn con người tới giác ngộ và giải thoát.

Dựa trên nhiều phương tiện khác nhau để Phật giáo thực hiện mục tiêu cao cả. Không ngoài giá trị cốt lõi như vậy, nghi lễ cũng là một phương tiện hữu hiệu trợ duyên cho việc tu tập và hoằng pháp, đưa quần chúng đến với Phật giáo, bước dần trên con đường đưa đến giác ngộ.

Phật giáo chủ trương hướng đến giác ngộ, lấy ánh sáng trí tuệ nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng trên thế gian. Mọi sự thật được hiện rõ bởi giác ngộ chân chính, nhận thấy sự thật rồi mới khởi lòng tin đó là chánh tín. Ngược lại, những gì không được hiểu rõ, không có lý lẽ, mà cố chấp cho là đúng đắn đó là mê tín. Một khi sống trong mê tín, người đó lại bày ra những điều mê hoặc làm mù quáng người thế gian.

Nói đến niềm tin trong Phật giáo, từ Phật giáo Nguyên thủy, đức Phật dạy chúng đệ tử không tin vào những gì người trước truyền lại, hoặc những gì số đông đang tin. Muốn tin vào điều gì phải kiểm chứng bởi trí tuệ, tức sự hiểu biết của con người, ngày nay gọi là khoa học. Thứ hai là kiểm chứng bằng suy nghiệm thông qua thiền định, giác ngộ như đức Phật và các vị A-la-hán thường có.

Cho nên, Phật giáo luôn đi đúng với sự thật thực tại không mơ hồ, không suy diễn viễn vông. Phật giáo tích cực nhập thế trên chủ trương tích cực, chứ không phải tiêu cực, yếm thế. Để hoàn thành chủ trương đó, Phật giáo chú trọng đến chánh tín, chỉ ra cái mê tín đang hiện hành.

Trên Bồ đề tạp chí, Lương Tâm đưa ra bốn đặc điểm của tín ngưỡng Phật giáo: 1/Tín ngưỡng Phật giáo là trí tín chứ không phải là mê tín; 2/Tín ngưỡng Phật giáo là kiêm thiện chứ không phải là độc thiện; 3/Tín ngưỡng Phật giáo là nhập thế chứ không phải là yếm thế; 4/Tín ngưỡng Phật giáo là vô hạn chứ không phải là hữu hạn[2].

Nguyệt san Viên Âm đã có một bài viết nói riêng về chánh tín trong Phật giáo, có đoạn: “Hôm nay tôi xin diễn cái vẫn đề “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín”. Cái vấn đề ấy rất thiết thực với nhân tâm thế đạo.

Bản ý cái vấn đề ấy, là muốn các ông các bà tin Phật pháp cho đúng chân lý, phân đường tà rõ nẻo chánh, hầu mong am hiểu đến một nền triết lý rất uyên thâm, cao minh, chứ đừng tin nhảm theo càn và đừng đứng phương diện bàng quan, chỉ trông ngắm hình thức bên ngoài, mà đã vội phê bình Phật thế nọ thế kia, thì thật hại thay cho một nền tôn giáo rất có giá trị”[3].

Tinh thần nghi lễ Phật giáo từ xưa là vậy, tuy nhiên đến giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chính trong nghi lễ Phật giáo đã diễn ra nhiều hiện trạng suy đồi. Đặc biệt, tại miền Bắc, vấn nạn suy đồi về nghi lễ diễn ra khá trầm trọng trên nhiều phương diện.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

1. Phẩm chất đạo đức tu sĩ – phật tử

Trong bài viết “Hiện trạng Phật giáo ở xứ ta”, Thanh Quang đứng trước hiện trạng Phật giáo nước nhà đã viết: “Đau đớn thay ở xứ ta những hạng người xuất gia vào chùa, phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này, mai lãnh đám khác, cũng tràng hạt, cũng ca sa, thử lật mặt trái của họ mà xem thì có khác nào người trần tục ở trong Phật giáo, họ tưởng học thế là đủ rồi, nói bậy, nói càn, quên mất giá trị, hoặc có người hỏi đến Phật pháp là gì, ôi, tuyệt nhiên không biết. Thật là một điều tai hại rất lớn trong Phật giáo vậy”[4].

Cùng quan điểm với ý kiến trên, Dương Bá Trạc đã có sự phân tích kỹ lưỡng và cụ thể những tệ lậu của Tăng già ở miền Bắc qua bài viết “Vấn đề chỉnh đốn Tăng già”[5] in trên Đuốc Tuệ.

Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Phật giáo suy đồi là do Tăng già: “Sở dĩ có cái cảnh suy tàn (của Phật giáo) như ngày nay, nói cho thật đúng thì suy riêng một giới Giáo Tự Tăng thôi… Tăng đồ kém đường tu tiến làm sai chính pháp của Phật, cho nên quần chúng mất lòng tín ngưỡng. Quần chúng mất lòng tín ngưỡng thì Phật pháp phải suy, đó là lẽ tự nhiên”[6].

Vấn đề lớn khác chính là không có sự liên kết giữa các sơn môn. Từ việc sinh hoạt rời rạc nên việc đào tạo tu sĩ không có sự thống nhất chung, đó là chưa nói đến mức độ đào tạo thấp kém, sai lêch. Việc học tập chỉ lo học truyền khẩu một số khóa tụng, các khóa cúng bái, hay một vài cuốn kinh có tính phổ thông để kiếm sống, đối phó trước thế gian. Từ đó, việc hoằng dương chánh pháp, hoằng pháp lợi sinh chỉ dựa trên nghi lễ tôn giáo mang nặng tính chất mê tín, lạc hậu, khiến dân chúng hoặc lao đầu mãi theo hoặc số khác lên tiếng phê bình Phật giáo.

Thực tế này khiến cho thế gian không mộ Phật, không kính trọng Tăng. Tại miền Bắc, vấn đề này có phần nổi bật hơn so với miền Trung và miền Nam.

Nhìn nhận về phương diện này, trong tác phẩm Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì – Trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), tác giả Ninh Thị Sinh viết: “Vấn đề nằm ở chỗ các sơn môn mặc dù giữ vai trò chủ chốt trong đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp, nhưng lại tổn tại rời rạc, không có liên hệ với nhau. Sơn môn nào biết việc sơn môn ấy và chỉ phục tùng mệnh lệnh của vị sư tổ. Từ đó dẫn tới hệ quả chư tăng thiếu một sự kiểm soát chung, và mặc dù sơn môn nhiều nhưng lại không có ích lợi cho nhân quân xã hội[7]”

Tóm lại, sự suy vi trong tăng già biểu hiện ở sự xuống dốc về đạo hạnh của một bộ phận chư tăng, trình độ thấp kém, không giữ giới luật, kinh điển không thông, giáo lý không hiểu. Ngoài ra tình trạng tổ chức và thống nhất giữa các sơn môn không có sự liên kết chặt chẽ, dẫn đến một vài hệ quả nhất định.

Thêm vào đó là các hiện tượng mê tín dị đoan, thực hành nhiều nghi lễ lạc hậu không phù hợp trong cuộc sống hiện đại, dẫn đến tín đồ nhận thức sai lệch, thực hành không đúng vơígiáo lý Phật giáo. Đây cũng chính là nguyên nhân nội tại dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nửa đầu thể kỷ XX.

2. Nghi thức các khóa lễ trong Phật giáo

Tình hình nghi thức tụng niệm ở miền Bắc, Minh Đức trong một bài viết đã nêu ra nhiều chỉ trích đáng phải suy nghĩ. Ông viết: “Nói đến đạo Phật, không ai không nghĩ đến việc lễ bái, tụng niệm. Đối với những nghi thức này, lắm ý kiến đã phát biểu, nhiều phán đoán, có khi quá gắt gao, đã được nghe. Người cho là mê tín, dị đoan, ỷ lại, bỏ quyền tự chủ đi phục lụy một cái thiêng liêng ở ngoài chưa chắc có.

Kẻ bảo tu là sửa mình, giữ tâm cho bình tĩnh, minh chính là đủ, cần gì phải bái lạy liên miên, gõ mõ tụng kinh rền xóm, mà lòng vẫn còn xao xuyến, nghĩa kinh chẳng hiểu một câu. Kẻ khác lại trách: Tu chi mà không hiểu một tí gì về tôn chỉ, mục đích, triết học, luân lý của đạo Phật, chỉ giỏi khoe tài thuộc được mấy thứ kinh, tranh cao thấp chỗ ăn chay được nhiều ngày ít ngày, hoặc ở chỗ siêng đến chùa hay biếng đi lễ. Còn nhiều chỉ trích khác, không thể chép ra hết, nhưng đại ý không ngoài khung khổ vừa phác họa”[8].

Ngoài những thực hành mê tín dị đoan, còn có những nghi thức Phật giáo đã trở nên lỗi thời, không phù hợp với xã hội hiện đại. Lê Toại trong một bài báo với nhan đề “Một ý kiến về việc đạo Phật”, đăng trên Trung Bắc tân văn năm 1932, đã nhấn mạnh đến những thực hành lỗi thời trong đạo Phật như việc tụng kinh bằng tiếng Hán không mang lại tác dụng đối với người nghe “như nước đổ lá khoai, như vịt nghe sấm, có ích chi đâu”, bên cạnh đó là sự tồn tại của những nghi thức không có ích về đường thực tế như đốt vàng mã, cúng cháo cho người chết.

Theo ông, nên thay thế những thực hành này bằng những việc ích lợi cho nhân sinh, “Việc tế độ chúng sinh, thì việc gì ích lợi cho bằng: việc dạy bảo cho người đần ngu, việc bố thí cho người đói rét, việc thuốc thang cho người ốm đau, việc chôn cất cho người chết chóc, thế mà làm sao lại không làm, lại đi mua vàng mã mà đốt đi, lấy bát cháo vấy ra đường bảo rằng bố thí cho vong linh người chết, người chết chưa biết có đói rách thực hay không, thế mà sao người nghèo đói ốm đau hiển hiện kia lại không cứu giúp?”[9].

Hiện trạng cửa chùa trở thành nơi tập trung của dân làng để làm các điều sai trái, nơi để khoe danh trục lợi diễn ra nhiều nơi.

Điều này được tác giả ghi tên NĐQ phản ánh trên Thực nghiệp Dân báo: “Nhưng những đình chùa làm ra đó có phải làm để khuếch trương Phật giáo đâu, họp đông người lại thành một làng, làng thì có kẻ trên người dưới, kẻ làm thịt, người ăn phần, kẻ bưng mâm, người đi tế, để mà phân biệt người có danh vị, người không danh vị trong làng, vì thế mà sinh ra cúng tế; muốn cúng tế phải có đền chùa, mà có đến chùa, không nhẽ mà không có Phật. Thế là vì danh vị trong làng mà thờ phụng Phật chớ có phải là tín ngưỡng đâu?”[10].

Từ yêu cầu cúng tế ở các chùa như vậy, các nhà sư đã quên đi nhiệm vụ tu học của bản thân, trở thành những người cúng tế chuyên nghiệp, thu hút quần chúng cùng đi vào những sai trái nguy hại mà không hề hay biết. Cũng trên vấn đề này, Tỷ kheo Thanh Vinh lên án trên Khai Hóa Nhật báo: “Độ 20 năm nay tăng chúng lại trọng mộ về môn “ứng phó” (đi cúng bái) đọc canh đọc kệ “ý, ý” làm pháp chủ đi đàn “múa may quay cuồng”[11].

Xuất phát từ việc các sơn môn không có sự kết nối, mỗi nơi một hình thức sinh hoạt khác nhau, dẫn đến phần nghi lễ cũng sai khác nhiều, thậm chí còn xuất hiện nhiều lễ cúng trái hẳngiáo lý Phật giáo.

Hòa thượng Trí Hải phản ánh tình trạng này qua bài viết “Vì lẽ gì Phật giáo xứ ta không phổ thông”, cụ thể: “Lại còn đến sự cúng lễ xem ra cũng mỗi làng một khác. Làng thì bầy ra tuần nọ tiết kia, chỗ thì lập nên lệ này lệ khác, bổ bàn nhau góp gạo góp tiến sắm lễ, lại bịa ra câu “vào chay ra mặn” rồi cũng bầy đặt cả rượu thịt lên cúng đức Long thần (đức Ông) hay đàn ngoại. Xong rồi cũng chia thịt chia xôi, cũng không khác chi việc hương ấm ở đình cả. Tuy mỗi nơi môi khác nhưng kỳ thật cũng rất ít nơi noi theo làm đúng như trong giáo lý Phật dạy, khuyên nên phóng sinh để tu lấy phúc; cách lễ bái như trên đã nói thật là trái hẵn với Phật giáo”[12].

Hòa thượng Trí Hải còn chỉ trích việc sát hại động vật trong các buổi lễ Phật giáo, việc này hoàn toàn trái vơígiáo lý Phật giáo. Hòa thượng viết: “Thế mà không hiểu tại sao mà người ta lại nỡ lòng dang tay giết hại các sinh mạng để cúng lễ cầu nguyện lấy phúc cho mình thì thật là trái hẳn với tôn chỉ của đạo Phật. Suốt trong ba tạng 12 bộ kinh của Phật dạy không thấy chỗ nào là sát sinh để cầu phúc cả, chỉ thấy nói là “phóng sinh tu phúc” mà thôi. Mà không hiểu tại sao người ở xứ ta theo Phật đã lâu, lại không thấy mấy người đúng như giáo lý của Phật dạy”[13].

Từ những dẫn chứng phản ánh về thực trạng nghi lễ ở ba miền, cho thấy hiện trạng chung đó là nghi lễ Phật giáo đã biến chất đi nhiều, có hiện tượng lợi dụng của chùa để trục lợi cá nhân, sẵn cái thỏa mãn cho nhu cầu cúng kính từ người thế gian mà bày ra nhiều loại hình lễ cúng sai trái, dẫn đến mê tính trầm trọng trong xã hội.

3. Hình thức thờ tự

Chùa truyền thống ở Miền Bắc ngoài tôn thờ các vị Phật, các vị Bồ-tát, chư thiên hộ trì Phật pháp, còn thờ nhiều vị thần của các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Có thể phân thành nhóm sau: Thần tự nhiên, tiêu biểu là hệ thống Tứ Pháp. Thần của các tôn giáo khác như Nho giáo có Khổng Tử và các á thánh; Đạo giáo có bộ ba vị thần Ngọc Hoàng-Nam Tào-Bắc Đẩu; thần linh của người Chăm như thần Po Riyak, thần Po Yan Dari và tượng Phỗng.

Thần linh tín ngưỡng thờ Mẫu hay, thường được gọi là thờ Chư vị (Tam Phủ, Tứ Phủ), các ông Hoàng, bà Chúa. Những vị thành hoàng, nhân thần có công với đất nước, địa phương. Thờ Hậu Phật là những người quá cố có công xây dựng hay hộ trì đến chùa…

Việc pha trộn hình thức tượng thờ từ nhiều nguồn khác nhau theo thời gian làm mất đi hình ảnh nguyên bản, cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy đồi Phật giáo. Vấn đề này không chỉ báo chí Phật giáo lên tiếng về hiện trạng suy đồi trong Phật giáo, đến báo chí bên ngoài cũng bị chú ý đến thực trạng đáng phê phán của Phật giáo Việt Nam.

Không chỉ báo chí Phật giáo lên tiếng về hiện trạng suy đồi trong Phật giáo, đến báo chí bên ngoài cũng bị chú ý đến thực trạng đáng phê phán của Phật giáo Việt Nam. Theo sự nhìn nhận của nhiều nhà báo, đạo Phật đã mất đi vẻ thanh tịnh, thuần khiết. Trên báo Trung Bắc tân văn có một loạt các bài báo được ký tên H.T.B đăng tải trong những năm 1932-1934. Các bài báo này đều phê bình sự “mê tín” đang diễn ra trong các chùa ở cả thành phố và nơi làng quê. Đó là các hiện tượng đồng bóng, quyên tiền, buôn thần bán thánh…

Một vài nhận xét rất khất khe từ H.T.B: “Còn như chùa ở phố phường, thì sư ở giữ chùa, chỉ trông vào của dâng cúng, của thiện nam tín nữ. Vì những người ở giữ chùa không có số tiền thường để hàng ngày chi dụng, thành ra họ phải tìm cách để mưu sinh. Hiện nay số người hay đi lễ bái ở các chùa, trừ ra một số các bà già đã chán việc đời, muốn mượn đạo Phật cảnh chùa để vui cảnh tuổi già thì không kể, còn ra thì các con công cái bán, toàn là ham mê những việc đồng bóng thỉnh cầu, người này bán khoán, người kia đội bát hương, quanh năm chí tối rủ nhau lũ lượt lễ bái. Vì thế các chùa ở thành phố, muốn được khách khứa đi lại đông, hàng ngày kiếm được bổng lộc nhiều, họ mới theo cái tính ham chuộng của nhân dân, ở bên trong đều có đặt bàn thờ chư vị, cũng vị thánh nọ, vị thần kia, cũng tam phủ tứ phủ, cũng chẳng khác gì các am đền, rồi cũng tụ họp các ông đồng bà cốt, cũng chuông trống rập rình, cũng nhảy múa truyền pháo”[14].

Hiện trạng chùa chiền trở thành nơi tập trung của dân làng để làm các điều sai trái, để khoe danh trục lợi diễn ra ngày càng thấy rõ. Điều này được tác giả ghi tên NĐQ phản ánh trên Thực nghiệp Dân báo: “Nhưng những đình chùa làm ra đó có phải làm để khuếch trương Phật giáo đâu, họp đông người lại thành một làng, làng thì có kẻ trên người dưới, kẻ làm thịt, người ăn phần, kẻ bưng mâm, người đi tế, để mà phân biệt người có danh vị, người không danh vị trong làng, vì thế mà sinh ra cúng tế; muốn cúng tế phải có đền chùa, mà có đến chùa, không nhẽ mà không có Phật. Thế là vì danh vị trong làng mà thờ phụng Phật chớ có phải là tín ngưỡng đâu?”[15].

Từ yêu cầu cúng tế ở các chùa như vậy, các nhà sư đã quên đi nhiệm vụ tu học của mình, trở thành những người cúng tế chuyên nghiệp. Vấn đề này bị Tỷ kheo Thanh Vinh lên án trên Khai Hóa Nhật báo: “Độ 20 năm nay tăng chúng lại trọng mộ về môn “ứng phó” (đi cúng bái) đọc canh đọc kệ “ý, ý” làm pháp chủ đi đàn “múa may quay cuồng”[16].

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

Ngay từ đầu những năm 1920, Hòa thượng Trí Hải cũng đã nhận ra sự hỗn tạp về đối tượng thờ phụng, cách thức thờ tự cũng như nghi thức lễ bái ở các ngôi chùa miền Bắc. Theo Hòa thượng, chính sự thất học của nhiều tăng ni là những nguyên nhân khiến Phật giáo Việt Nam ngày càng đi vào con đường suy thoái, mê tín[17].

Hòa thượng Trí Hải nhận thấy sự biến chất trong ý ngiã thờ phụng, các nơi tranh nhau xây chùa, tạo tượng, thế nhưng việc tranh nhau này không hề mang ý nghĩa gì là tích cực, chỉ toàn là so đo, thể hiện sự hơn thua với nhau. Hòa thượng viết: “Ấy thế mà không hiểu tại sao bây giờ xem hình như ít người hiểu thế nào là Phật pháp cả, mà coi hầu như mỗi làng một đạo Phật hay sao ấy, vì xem phần nhiều như làng nào có chùa thì làng kia cũng bắt chước làm chùa, chùa kia có tượng thì chùa này cũng tạc tượng đó thôi. Có chùa thờ nhiều tượng, người ở làng chùa thờ ít tượng, sang chùa kia thấy nhiều tượng rồi về bảo với nhau rằng “chùa làng tôi hãy còn thiếu mấy vị Phật”, vậy giá hỏi ngay người ấy rằng “thế nào là đủ là thiếu, thiếu những vị gì, thiếu bao nhiêu nữa?” thì người đó sẽ trả lời ra sao???”[18].

Sự pha trộn giữa Phật giáo và các tín ngưỡng nhân gian đã làm mất đi giá trị tinh túy của Phật giáo, dẫn đến hình ảnh Phật giáo phần nhiều bị biến chất. Trong hồi kí, khi nhắc đến thờ tự ở các chùa, Hòa thượng Trí Hải bày tỏ quan điểm: “… trừ những nơi danh lam cổ tự ra, còn hầu hết là biến tướng rất nhiều, không còn thuần túy là Phật giáo nữa. Từ nơi thờ phụng cho đến nghi thức lễ bái, không đâu giống đâu. Không những thờ Phật,Bồ-tát mà còn thờ tất cả Thánh Thần, thậm chí có nơi thờ cả hổ, rắn, chó đá, bình vôi… trong nhà không thờ hết đem ra cả ngoài sân, gốc cây”[19].

Trần Trọng Kim (Trưởng ban Nghiên cứu Phật học và Diễn giảng của Hội Phật Giáo Bắc Kì) cho rằng, hệ thống tượng thờ ở các ngôi chùa miền Bắc vốn có nguyên tắc và mang nhiều ý nghĩagiáo lý. Tuy nhiên, trải qua thời gian, tăng già dần không hiểu rõ ràng cùng với việc lợi dụng thái quá trong chữ “phương tiện” dẫn đến làm ra nhiều điều sai lầm. Ông chỉ ra hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này: một là các sa môn không uyên thâm trong việc học, tùy tiện trong nhiều việc, lại không có sự liên kết thống nhất giữa các tổ đình, sơn môn.

Hai là, đạo Phật với tinh thần viên dung, ngoài thờ Phật, Bồ -tát còn thờ thánh, thờ phụng thêm bớt và cách bài trí theo bề ngoài, dù có sai lầm ít nhiều cũng không quan ngại, lâu dần hóa quen và không muốn thậm chí không thể thay đổi. Theo Trần Trọng Kim, “đó là những chỗ khuyết điểm trong sự thờ phụng của đạo Phật ở nước ta, ta nên biết mà sửa đổi lại cho thích hợp với cái đạo tôn nghiêm của Phật giáo”[20].

Nguyên nhân được chỉ ra ở đây là chính các nhà sư muốn có kinh phí chi dụng, bày ra những trò mới nhằm thu hút sự tham gia của quần chúng. Ngoài những trò mới lạ ttrong nghi lễ, những kiểu thức thờ tự mới cũng được bày ra. Dần dần, sự pha trộn giữa Phật giáo với thế gian đã làm mất đi giá trị thuần túy trở nên mê tín, khó phân biệt đâu là kiểu thức thờ tự Phật giáo, đâu là nhân gian.

III. Kết luận

Nghi lễ Phật giáo là một trong nhưng phương tiện hữu hiệu nhất trong việc truyền bá và phát triển Phật giáo từ hàng nghìn năm nay trên đất nước Việt Nam. Trải qua các thời đại, nghi lễ Phật giáo luôn có những bước chuyển mình khéo léo nhằm phát huy hơn giá trị bên trong mình.

Tuy nhiên, từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, Phật giáo Việt Nam suy đồi trên nhiều phương diện. Trong đó, các hình thức nghi lễ dần đánh mất đi giá trị vốn có từ xưa. Hiện trạng suy đồi về mặt nghi lễ trong Phật giáo xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Hệ quả chung là khiến cho Phật giáo lâm vào tình trạng suy đồi trên nhiều phương diện khác.

Trước tình hình như vậy, nhiều tăng ni, cư sĩ, trí thức mến mộ Phật giáo tiến hành chấn hưng Phật giáo. Hoạt động này được vận động và tiến hành trên khắp cả nước Việt Nam và cải cách tất cả những gì đang có biểu hiện suy yếu bên trong Phật giáo. Dĩ nhiên, các nhà cải cách ở các hội Phật giáo có sự quan tâm đặc biệt đến các hình thức nghi lễ. Từ đó mọi người cùng đưa ra những cải cách nhằm lấy lại một nghi lễ Phật giáo đúng với ý nghĩa và lợi ích vốn có từ lâu đời.

Tác giả: Thích Nhuận Giác
Học viên Cao học Khóa 5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Viên Âm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín”, Nguyệt san Viên Âm, số 13.
2. Thiều Chửu (2002), Con đường học Phật ở thế kỉ thứ XX, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
3. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
4. Minh Đức (1949), “Câu chuyện tâm sự-Lễ bái, tụng niệm”, Phật học tạp chí Bồ đề tân thanh, số 3.
5. Trí Hải (1936), “Cúng lễ cần phải giới sát”, Đuốc Tuệ, số 14.
6. Trí Hải (1936), “Vì lẽ gì Phật giáo xứ ta không phổ thông”, Đuốc Tuệ, số 18.
7. Thích Trí Hải (2004), Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Giác Hiệp, “Vấn đề học hỏi Phật giáo quốc tế trong thời kì chấn hưng”, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam-Viện Nghiên cứu Tôn giáo Thành hội Phật giáo Hải Phòng, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979), Nxb Tôn giáo.
9. Trần Trọng Kim (2002), Phật lục, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
10. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb Văn học, Hà Nội.
11. Thanh Quang (1942), “Hiện trạng Phật giáo xứ ta”, Đuốc Tuệ, số 178.
12. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì-Trường hợp hội Phật giáo, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội,
13. Lương Tâm (1936), “Tín ngưỡng Phật giáo có trở ngại sự tiến hóa của xã hội hay không?”, Bồ Đề tạp chí, số 1.
14. Dương Bá Trạc (1939), “Vấn đề chỉnh đốn Tăng già”, Đuốc Tuệ, số 101.

CHÚ THÍCH:

[1] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.25-26.
[2] Lương Tâm (1936), “Tín ngưỡng Phật giáo có trở ngại sự tiến hóa của xã hội hay không?”, Bồ Đề tạp chí, số 1, tr.365-369.
[3] Viên Âm (1935), “Chúng ta phải nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín”, Nguyệt san Viên Âm, số 13, tr.20.
[4] Thanh Quang (1942), “Hiện trạng Phật giáo xứ ta”, Đuốc Tuệ, số 178, tr.4.
[5] Dương Bá Trạc (1939), “Vấn đề chỉnh đốn Tăng già”, Đuốc Tuệ, số 101, tr.39-44.
[6] Thiều Chửu (2002), Con đường học Phật ở thế kỉ thứ XX, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.29-30.
[7] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì-Trường hợp hội Phật giáo, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.39.
[8] Minh Đức (1949), “Câu chuyện tâm sự-Lễ bái, tụng niệm”, Phật học tạp chí Bồ đề tân thanh, số 3, tr.11-12.
[9] Ninh Thị Sinh (2020), Sđd, tr.42-43.
[10] Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.101.
[11] Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Sđd, tr.102.
[12] Trí Hải (1936), “Vì lẽ gì Phật giáo xứ ta không phổ thông”, Đuốc Tuệ, số 18, tr.5.
[13] Trí Hải (1936), “Cúng lễ cần phải giới sát”, Đuốc Tuệ, số 14, tr.3-4.
[14] Ninh Thị Sinh (2020), H.T.B (1932), “Một sự trái mắt ở các chùa”, Trung Bắc tân văn – Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kì-Trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.42.
[15] Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Sđd, tr.101.
[16] Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Sđd, tr.102.
[17] Thích Trí Hải (2004), Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.4-5.
[18] Trí Hải (1936), “Vì lẽ gì Phật giáo xứ ta không phổ thông”, Đuốc Tuệ, số 18, tr.6.
[19] Thích Giác Hiệp, “Vấn đề học hỏi Phật giáo quốc tế trong thời kì chấn hưng”, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam-Viện Nghiên cứu Tôn giáo Thành hội Phật giáo Hải Phòng, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979), Nxb Tôn giáo, tr.176.
[20] Trần Trọng Kim (2002), Phật lục, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.125-126.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nghi-le-phat-giao-tai-mien-bac-truoc-phong-trao-chan-hung-phat-giao.html