Khai sinh lối đánh đặc công

Cách đây 75 năm, ngày 19-3-1948, tổ du kích của ông Trần Công An (Hai Cà) - một người con ưu tú của vùng đất Thạnh Hội (TX.Tân Uyên) đánh sập tháp canh cầu Bà Kiên. Từ đây, khai sinh ra một lối đánh mới: 'Lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông'. Sau này, ngày 19-3 được chọn là ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công, một lực lượng 'chân trần, chí thép' với 16 chữ vàng: 'Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn'.

Bia tưởng niệm Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên (19-3) ở phường Thạnh Phước (TX.Tân Uyên)

Ông tổ đặc công Hai Cà

Tròn 75 năm trôi qua nhưng chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên (19-3-1948) vẫn luôn là niềm tự hào của người dân TX.Tân Uyên nói riêng và Bình Dương nói chung. Bởi vùng đất Tân Uyên - Chiến khu Đ chính là nơi khởi phát của cách đánh này; gắn liền với tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang - Đại tá Trần Công An.

Qua lời kể của ông Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, một người con của vùng đất Thạnh Hội, Đại tá Trần Công An là người có công đầu trong việc xây dựng, hình thành lối đánh đặc công. Đầu năm 1948, quân Pháp triển khai chiến thuật De Latour, xây dựng hàng trăm đồn bót, tháp canh trên các trục lộ dọc đường 16, từ Tân Ba lên thị trấn Tân Uyên, đến Sở Cao su Phước Hòa và dọc lộ 24, từ ấp Cây Đào đến Rạch Đông để đàn áp phong trào cách mạng… Hệ thống tháp canh của thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ đã gây cho lực lượng kháng chiến của ta rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giao liên và tiếp tế lương thực, vũ khí...

Lúc bấy giờ, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định, phá hệ thống tháp canh của giặc Pháp, đánh bại chiến thuật De Latour là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông nói chung và Tỉnh đội Biên Hòa nói riêng. Nhưng lúc này, vũ khí, trang bị của ta còn quá thô sơ, chưa có loại nào có sức công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh, nên nhiệm vụ phá tháp canh tưởng chừng như không thể. Được Ban Chỉ huy Huyện đội Tân Uyên giao nhiệm vụ phá tháp canh, phụ trách đội du kích Tân Uyên, ông Hai Cà trong lòng rất lo lắng. Trở về hậu cứ, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cách đánh. Mục tiêu đầu tiên ông chọn là tháp canh ở đầu cầu Bà Kiên, nằm trên lộ 24 nối liền Biên Hòa - Vĩnh Cửu với Chiến khu Đ.

Sau một thời gian điều nghiên, khổ luyện, đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, tổ du kích của ông Hai Cà đã bí mật xâm nhập trận địa. Và trận đánh đã giành thắng lợi lớn, nhưng do sức nổ quá mạnh khiến ông Hai Cà bị thương. Đánh thắng trận này ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Từ kinh nghiệm đó, tháng 11-1949, Bộ Chỉ huy Khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh, ông Hai Cà được chọn báo cáo kinh nghiệm và cách đánh tháp canh của địch. Sau này, ngày 19-3 được chọn là ngày truyền thống Bộ đội Đặc công.

“Từ đất cồn Rùa địa linh nhân kiệt/ Tay không trói giặc, trọn đời theo Đảng vì dân/ Tiêu diệt tua bằng thang tre lựu đạn/ Mở đầu cách đánh đặc công bằng FT, Peta/ Tinh nhuệ, bí mật, bất ngờ, chắc thắng/ Chiến công nối tiếp chiến công/ Đời riêng gắn với việc công/ Cầu Bà Kiên, sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình/ Rạng danh người anh hùng chân đất…”. Những dòng chữ được khắc trên tấm bia trước phần mộ của Đại tá Trần Công An chính là sự ghi nhận dấu ấn của người lính đặc công huyền thoại.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, tự hào cho biết: “Với người dân Tân Uyên thì đây là niềm tự hào to lớn. Bởi ông Hai Cà đã để lại tấm gương anh dũng, mẫu mực, kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Tân Uyên”.

“Chân trần, chí thép”

Tiếp nối tự hào của vùng đất Thạnh Phước (TX.Tân Uyên), nơi sản sinh ra lối đánh đặc công; xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo hiện nay lại là nơi đứng chân của Lữ đoàn Đặc công 429 - đơn vị đặc công chủ lực của Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam bộ. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, Lữ đoàn Đặc công 429 cũng xứng đáng với 16 chữ vàng: “Tự lực tự cường, độc đoàn kiên cường, luồn sâu đánh hiểm, đoàn kết chiến thắng”.

Các nữ đặc công Lữ đoàn Đặc công 429 luyện tập múa côn nhị khúc

Trải qua 54 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Lữ đoàn Đặc công 429 luôn củng cố, xây dựng được hàng chục đơn vị, huấn luyện, đào tạo hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cung cấp cho các chiến trường. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã xây dựng lực lượng đặc công biệt động tinh nhuệ, chính quy, hiện đại tham gia hầu hết các chiến dịch, các đợt hoạt động của các quân khu, bám sát địch ngay trong hậu phương chiến lược của địch, tạo thế đánh địch đúng thời cơ, kịp thời, tiêu diệt nhiều sinh lực quan trọng và phương tiện chiến đấu hiện đại của chúng, góp phần cùng quân và nhân dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Trong thời kỳ đổi mới, lữ đoàn đã củng cố, xây dựng phát triển toàn diện, được Bộ Quốc phòng, Binh chủng Đặc công giao bổ sung thực hiện nhiệm vụ A2, chống khủng bố, tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và quân đội. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn cũng nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ và nỗ lực vươn lên nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Hoàng Văn Số, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 429, cho biết thực hiện Nghị quyết số 1659 ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; tiếp tục đột phá, đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng huấn luyện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chiến sĩ của lữ đoàn được huấn luyện theo phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Huấn luyện sát thực tế chiến đấu, phù hợp với đối tượng, địa bàn tác chiến điều kiện chiến tranh vũ khí công nghệ cao; phù hợp với tổ chức biên chế và trang bị vũ khí của đơn vị làm chủ vũ khí trang bị mới bảo đảm cho lữ đoàn đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao.

Đêm 18 rạng sáng ngày 19-3-1948, tổ du kích của ông Hai Cà đã bí mật xâm nhập trận địa. Và trận đánh đã giành thắng lợi lớn, nhưng do sức nổ quá mạnh khiến ông Hai Cà bị thương. Đánh thắng trận này ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Từ kinh nghiệm đó, tháng 11-1949, Bộ Chỉ huy Khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh, ông Hai Cà được chọn báo cáo kinh nghiệm và cách đánh tháp canh của địch. Sau này, ngày 19-3 được chọn là ngày truyền thống Bộ đội Đặc công…

THU THẢO

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/khai-sinh-loi-danh-dac-cong-a292356.html