Khai thác cát biển phục vụ xây cao tốc: Không đơn giản là lấy tàu ra hút cát
Việc dùng cát biển để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cao tốc ở ĐBSCL là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, vẫn cần những bước đánh giá thận trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 2 tuyến đường cao tốc quy mô lớn đi qua 6 tỉnh, thành với nhu cầu vật liệu cát lên đến hàng trăm triệu m3. Bài toán cát trở nên khó khăn khi nguồn cáp sông không thể đáp ứng được nhu cầu. Thực tế, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế. Nguồn mỏ cát sông chủ yếu ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long. Tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu mét khối.
Để tháo gỡ, Chính phủ vào tháng 10 đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT): Khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp phép khai thác; sớm rà soát, báo cáo về nguồn cung cấp cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 26.9.2022. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu "đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT thực hiện Dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL và Bộ trưởng Bộ TN-MT đã ra Quyết định phê duyệt bổ sung Dự án này vào Danh mục nhiệm vụ chuyên môn mở mới (năm 2022).
Bộ TN-MT cũng đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị chủ trì Dự án và Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển và các đơn vị thuộc Tổng cục là đơn vị thực hiện.
Dự án là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự án ngoài việc đáp ứng kịp thời nguồn VLXD, san lấp phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL và phụ cận, còn là cơ sở thực tiễn đẩy mạnh hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, cho biết Dự án sẽ đánh giá, khoanh định được các khu vực có cát biển làm VLXD, san lấp với tài nguyên đủ mức và có tính khả thi khai thác, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trước mắt là đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các tuyến cao tốc phía Đông vùng ĐBSCL, cũng như đáp ứng nhu cầu VLXD, vật liệu san lấp nền móng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình lấn biển… trong vùng.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) khẳng định "Việc sử dụng cát biển thay thế dần cát sông ở nước ta là xu hướng tất yếu", nhưng cho biết thêm một số điều cần chú ý.
Theo số liệu của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), vùng biển 0-100m nước của nước ta có 30 vùng triển vọng khai thác cát với tổng tài nguyên dự báo gần 150 tỉ m3. Trong đó, các vùng biển tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Phú Quốc - Hà Tiên, Hải Phòng - Quảng Ninh… rất có triển vọng để quy hoạch thăm dò, khai thác. Cụ thể, đến nay các cơ quan đã khoanh định được 9 vùng triển vọng cát biển làm vật liệu xây dựng loại A và 58 vùng loại B. Tuy nhiên, không phải cả 9 vùng này có thể khai thác được ngay.
Ông Nguyên lý giải: "Mỗi vùng biển muốn khai thác cát trước tiên phải nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường sinh thái. Trong đó, cần đánh giá rõ biến đổi địa hình đáy biển, xói lở bờ biển, ô nhiễm nước biển, hệ sinh thái vùng biển trước khi khai thác. Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo an toàn, chỉ nên khai thác cát biển ở vùng biển có độ sâu lớn hơn 10m, cách xa bờ biển, đảo hơn 20km, độ sâu khai thác vào đáy biển dưới 10m".
Đồng thời, ông Nguyên đặc biệt lưu ý là theo kinh nghiệm các nước, việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác cát biển phải do cấp trung ương thực hiện (không phân cấp cho địa phương như trên đất liền) mới đảm bảo công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Nguyên nhân là khai thác ở biển đòi hỏi sử dụng thiết bị công suất lớn (tàu lớn), độ sâu nhỏ nên diện tích thăm dò, khai thác phải đủ lớn mới đáp ứng hiệu quả đầu tư (diện tích 100-200km2).
Ngoài ra, trước mỗi dự án triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ ngành, địa phương để cùng đưa ra đánh giá.
Ngoài ra, trong thời gian qua một số cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu triển khai một số đề tài, như: Nghiên cứu chế tạo phục gia hóa học cho bê tông sử dụng cát biển và nước biển ứng dụng cho việc bồi đắp, lấn biển; Nghiên cứu chế tạo cấu kiện bê tông sử dụng tro xỉ nhiệt điện và vật liệu tại chỗ (cát biển, cát nhân tạo); Nghiên cứu khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng đường bộ tại Việt Nam... Các kết quả nghiên cứu cho thấy cát biển đáp ứng cơ bản yêu cầu, tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp, làm nền đường, cấu kiện xây dựng...
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong cát biển có chứa một lượng nhất định muối hòa tan. Vì vậy, khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, nền đường sẽ có một số tác động bất lợi gây ra ăn mòn cốt thép ảnh hưởng kết cấu công trình khi tiếp xúc trực tiếp với cốt thép hay việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (đất nông nghiệp, các mạch nước ngầm) khi các muối hoàn tan bị cuốn trôi theo dòng nước. Chính vì thế, theo Vụ này cơ quan đề xuất Dự án cũng phải nêu rõ các giải pháp kỹ thuật khi dùng cát biển làm vật liệu san lấp để tránh những bất lợi trên.