Khai thác cát lậu ở biển Cần Giờ: Vì đâu ngày càng lộng hành?

Một số đối tượng lợi dụng hợp đồng khai thác, mua bán, vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh miền tây, cho phương tiện chạy qua khu vực biển Cần Giờ để khai thác cát trái phép. Nếu không bị bắt quả tang, chúng sử dụng hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, vận chuyển cát có sẵn để hợp thức hóa đối phó với lực lượng chức năng.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, trong thời gian qua, đi cùng với sự phát triển kinh tế của thành phố là sự phát triển giao thông, hạ tầng xây dựng ngày càng gia tăng. Vì vậy nhu cầu cát san lấp, cát xây dựng ngày càng nhiều nên lượng tiêu hao khoáng sản cũng ngày càng lớn, đặc biệt là cát.

Trong khi đó, 10 năm qua TP.HCM không cấp phép khai thác cát và hiện nay việc cấp phép khai thác cát ở các tỉnh, thành cũng rất hạn chế. Đồng thời, lợi nhuận từ khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép lớn nên công tác đấu tranh, phòng chống khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn là thách thức trên địa bàn thành phố.

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gởi Ban cán sự Đảng UBND Thành phố kiến nghị chủ trương cho phép Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thực hiện khai thác cát tại khu vực vùng biển Cần Giờ để phục vụ dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (khối lượng cát san lấp của dự án khoảng 137.616.000 m3). Ảnh: P.N

Theo số liệu tại Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh, giai đoạn 2023-2026, được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổng hợp từ báo cáo của các cơ quan chức năng về kết quả đấu tranh, phòng chống khai thác cát trái phép; kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp:

Từ năm 2019 đến năm 2022 lực lượng chức năng đã bắt và xử lý 365 vụ và tịch thu 208 phương tiện (ghe, tàu…) cùng tang vật (máy móc đi kèm…), 64.983 m3 cát và xử phạt khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động lén lút khai thác vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép vẫn còn diễn ra, đặc biệt ở một số khu vực như khu vực thuộc tuyến sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Sài Gòn (từ xã Trung An đến xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), khu vực huyện Cần Giờ (chủ yếu tập trung tại sông Đồng Tranh (xã Tam Thôn Hiệp), Long Hòa, Lý Nhơn và vùng biển Cần Giờ.

Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 2 xà lan đang khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ ngày 12.2.2023. Ảnh: Lương Kiểm

Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 2 xà lan đang khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ ngày 12.2.2023. Ảnh: Lương Kiểm

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, đêm tối, đoạn sông vắng người để đưa phương tiện gắn máy bơm hút cát có công suất lớn, bơm hút cát sang các ghe mua vận chuyển đi tiêu thụ, hành vi hút cát trái phép diễn ra trong thời gian ngắn.

Các phương tiện thường hoạt động vào ban đêm, quá trình hoạt động luôn có lực lượng cảnh giới. Khi phát hiện có phương tiện của các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát, chúng thông báo cho các đối tượng đang khai thác cát trái phép rút vòi bơm, xả cát xuống biển, sông và chạy trốn trong các kênh, rạch hoặc chạy về phía địa bàn của tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc sẵn sàng đánh chìm phương tiện (thường là các ghe gỗ có chiều dài từ 10 km đến 12m) để trốn thoát.

Đối với khu vực biển Cần Giờ, lợi dụng địa thế xa bờ (các đối tượng thường khai thác ở vị trí cách xa bờ từ 10 km đến trên dưới 12 km), điều kiện sóng to, gió lớn để khai thác và thường hoạt động vào ban đêm. Các đối tượng sử dụng xà lan có tải trọng lớn (500 tấn đến trên dưới 1.000 tấn), khả năng chịu đựng được sóng to, gió lớn để đối phó với các phương tiện của lực lượng truy đuổi.

Thông thường các xà lan này đều thiết kế có họng xả đáy, do đó khi lực lượng chức năng truy đuổi, chúng chạy ra vùng biển xa bờ để lợi dụng điều kiện sóng, gió, vừa chạy vừa xả cát khai thác qua van xả đáy để phi tang, gây khó khăn cho việc bắt giữ và xử lý.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng hợp đồng khai thác, mua bán, vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh miền tây như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre,... chúng cho phương tiện chạy qua khu vực biển Cần Giờ để khai thác cát trái phép, nếu không bị bắt quả tang, chúng sử dụng hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, vận chuyển cát có sẵn để hợp thức hóa đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Nguồn: Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh, giai đoạn 2023-2026

Nguồn: Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh, giai đoạn 2023-2026

Theo nhận định của UBND TP.HCM, có 3 nguyên nhân trọng yếu để dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép trong thời gian qua:

Một là, quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác cát trái phép còn chưa đủ tính răn đe (trong khi lợi nhuận thu được từ khai thác cát trái phép rất lớn), dễ bị các đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong xử lý phương tiện, tang vật vi phạm.

Hiện nay, mặc dù tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và các hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản đã được thay thế bởi Nghị định số 36 ngày 24.3.2020 và Nghị định số 4 ngày 6.1.2022 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.

Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng có liên quan đến hành vi khai thác khoáng sản không phép (người điều khiển phương tiện và người tham gia thực hiện hành vi khai thác cát, cơ sở chứa và kinh doanh cát), trái phép, hành vi chống đối người thi hành công vụ không sử dụng vũ khí theo quy định chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên chưa đủ tính răn đe.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra các đối tượng xả bỏ cát khai thác trái phép để phi tang (thường xảy ra đối với các xà lan khai thác cát trái phép trên biển) hoặc sử dụng hai phương tiện song song gồm phương tiện gắn thiết bị bơm hút cát vào phương tiện vận chuyển (các đối tượng thường áp dụng khai thác cát trái phép trên sông), khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra, hai phương tiện tách rời nhau gây khó khăn cho công tác xác định, xử lý hành vi vi phạm.

Tại một số khu vực, các đối tượng khai thác cát trái phép sử dụng ghe tàu cũ, không đăng ký với giá trị thấp để mua nên khi phát hiện các đối tượng có thể bỏ ghe, đánh chìm tàu.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố nhóm "cát tặc" quy mô lớn tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ, TP.HCM.

Tang vật một vụ khai thác cát lậu quy mô lớn (hơn 6.600m3 cát) tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ đã bị khởi tố vụ án; khởi tố, bắt tạm giam bị can. Tháng 1.2023 cơ quan chức năng hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Ảnh: CTV

Tang vật một vụ khai thác cát lậu quy mô lớn (hơn 6.600m3 cát) tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ đã bị khởi tố vụ án; khởi tố, bắt tạm giam bị can. Tháng 1.2023 cơ quan chức năng hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Ảnh: CTV

Hai là, phương thức, thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, trong khi lực lượng tham gia đấu tranh mỏng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép còn hạn chế.

Các đối tượng thường lợi dụng các khu vực có địa hình, điều kiện tự nhiên phức tạp để thực hiện khai thác cát trái phép (địa bàn sông nước khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, thành phố; ngoài biển; gây khó khăn trong công tác kiểm tra, truy đuổi và ngăn chặn).

Hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép thường diễn ra vào ban đêm, chúng cử lực lượng cảnh giới, theo dõi tại các khu vực bến, bãi triển khai lực lượng, phương tiện của cơ quan chức năng để thông báo cho các đối tượng, phương tiện lẩn trốn và sẵn sàng có những hành vi chống đối lực lượng chức năng (đánh chìm phương tiện, tang vật vi phạm) để trốn tránh trách nhiệm khai thác cát trái phép. Cùng một phương tiện nhưng sử dụng nhiều đối tượng khác nhau để khai thác cát trái phép nhằm tránh bị xử lý đối với hành vi tái phạm (lách luật).

Các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm là người làm thuê hoặc sử dụng phương tiện thuê của người khác để đối phó với quy định tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc xử lý.

Đặc biệt đối với vùng biển Cần Giờ, nơi các khu vực có nhiều cát, mỏ cát mà các đối tượng khai thác trái phép cách rất xa bờ biển là điểm giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc tuần tra, kiểm soát chỉ thực hiện theo định kỳ hoặc có tình huống đột xuất. Trong khi đó, do sóng gió nên các lực lượng không thể đưa phương tiện neo đậu 24/24 giờ để canh gác, bảo vệ.

Để truy đuổi, ngăn chặn đòi hỏi lực lượng chức năng phải có phương tiện lớn mà hiện chỉ có lực lượng Biên phòng Thành phố được trang bị nhưng số lượng cũng hạn chế, thời gian di chuyển từ nơi neo đậu đến nơi các đối tượng khai thác trái phép thường trên một giờ nên các đối tượng khai thác cát trái phép có đủ thời gian di chuyển phương tiện sang địa phương khác.

Với đặc điểm vùng biển rộng, giáp ranh nhiều tỉnh nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện và truy đuổi, thì các đối tượng khai thác cát trái phép bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau gây khó khăn trong công tác truy bắt.

Thêm vào đó, các đối tượng, phương tiện vi phạm không cư trú, neo đậu tại các bến bãi do bộ đội Biên phòng Thành phố quản lý (chủ yếu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động.

Việc sử dụng các phương tiện của đơn vị được trang bị trong tổ chức triển khai lực lượng mật phục, bắt giữ hiệu quả không cao, dễ bị các đối tượng theo dõi và chủ yếu sử dụng phương tiện thuê của dân (để ngụy trang), vì vậy không chủ động, độ an toàn không cao khi gặp thời tiết xấu, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra dai dẳng, kéo dài.

Kiểm tra một bãi tập kết cát tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) trong vụ án khai thác cát lậu quy mô lớn tại khu vực Cồn Ngựa trên vùng biển Cần Giờ, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ 3.374m3 cát do các đối tượng khai thác trái phép mang về đây tập kết, chờ bán. Ảnh: CTV

Ba là, sự liên kết, phối hợp giữa các sở ngành, giữa các địa phương trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và vận chuyển khoáng sản trên vùng biển Cần Giờ nói riêng, TP.HCM nói chung còn hạn chế, thiếu đồng bộ.

Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát đối với nguồn cát phục vụ san lấp (trên địa bàn thành phố và các địa phương giáp ranh) hiện chưa được thực hiện. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, tỉnh thành có mỏ cát được cấp phép để quản lý và kiểm tra chứng từ hợp pháp của các đối tượng vi phạm.

Có nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm, lập biên bản thì sau đó các đối tượng này lại bổ sung các chứng từ liên quan đến khai thác, vận chuyển từ mỏ cát ở các tỉnh lân cận.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng ở TP.HCM và các tỉnh giáp ranh theo quy chế phối hợp đã được tăng cường (trong xác minh, xử lý phương tiện vi phạm không bị giới hạn trong địa giới hành chính) nhưng nhìn chung công tác phối hợp trong đấu tranh còn chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

“Trong thời gian gần đây, việc cấp phép khai thác cát ở các tỉnh, thành cũng hạn chế, riêng TP.HCM không cấp phép khai thác cát trên địa bàn thành phố hơn 10 năm qua, cùng với chủ trương hạn chế khai thác khoáng sản, tăng cường kiểm soát đối với việc cấp phép khai thác cát san lấp, cát xây dựng của Chính phủ nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng, mặt bằng giá cát xây dựng và san lấp có sự gia tăng đáng kể.

Đồng thời lợi nhuận từ khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép lớn, kinh phí đầu tư không nhiều nên nhiều đối tượng lợi dụng điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp để khai thác khoáng sản trái phép bằng mọi cách để đối phó với cơ quan chức năng, làm cho tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố những năm gần đây xảy ra ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh - xã hội, đời sống người dân và công tác quản lý, bảo vệ nguồn cát xây dựng, cát san lấp trên địa bàn thành phố…” – Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa Thành phố với các tỉnh, giai đoạn 2023-2026, cho biết.

Hơn 69 tỷ đồng phòng, chống khai thác cát trái phép

Theo Quyết định của UBND TP.HCM ban hành Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa Thành phố với các tỉnh, giai đoạn 2023 - 2026, kinh phí thực hiện đề án ước tính là 69.130.000.000 đồng (chưa bao gồm kinh phí xây dựng 2 chốt biên phòng trên vùng biển Cần Giờ và 2 chốt biên phòng trên sông Đồng Nai).

Trong đó, kinh phí trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ ước tính 57.469.000.000 đồng, được thực hiện từ nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển. Kinh phí thực hiện kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép trong giai đoạn 2023 - 2026 và điều tra, thăm dò trữ lượng cát xây dựng, cát san lấp trên sông, trên biển là 11.661.000.000 đồng, được thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Một số giải pháp đầu tư trang thiết bị được đưa ra trong đề án: Sớm triển khai xây dựng Trạm kiểm soát Biên phòng trên biển (quy mô nhà giàn nhỏ) trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật hiện đại thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chống xâm nhập đường biển, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép.

Lập kế hoạch triển khai, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị nhận dạng tự động (AIS) vào công tác quản lý, giám sát hoạt động khoáng sản trái phép tại khu vực cảng biển TP.HCM và tàu, thuyền đang hoạt động, ra vào vùng nước trên địa bàn thành phố để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm...

Lê An – Nguyễn Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khai-thac-cat-lau-o-bien-can-gio-vi-dau-ngay-cang-long-hanh-40852.html