Khai thác đáy biển

Để sản xuất pin dùng trong xe điện, người ta cần các kim loại như cobalt, lithium, nickel hay mangan. Bất ngờ ở chỗ đáy biển lại có chứa nhiều hòn đá nhỏ, cỡ bằng trái banh tennis, hình thành trong khoảng thời gian nhiều ngàn năm dưới dạng trầm tích bên trong có chứa cobalt hay mangan.

Để khai thác chúng, các công ty dùng những dụng cụ vừa như cái cào khổng lồ vừa như máy hút, mỗi khi hoạt động sẽ gây xáo trộn hệ sinh thái dưới đáy biển, có thể tạo ra những hệ lụy chưa lường hết cho môi trường.

Tàu của tổ chức Greenpeace trưng khẩu hiệu “Chấm dứt khai thác đáy biển” gần tàu Maersk Launcher do Metals thuê.

Tàu của tổ chức Greenpeace trưng khẩu hiệu “Chấm dứt khai thác đáy biển” gần tàu Maersk Launcher do Metals thuê.

Một tổ chức của Liên hiệp quốc – International Seabed Authority (ISA) – có nhiệm vụ quản lý việc khai thác đáy biển trên các vùng biển quốc tế đang soạn thảo các quy định để áp dụng trong năm tới nhằm hạn chế các tác hại cho môi trường.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1994, ISA đã cấp 22 giấy phép cho các công ty thăm dò đáy biển chứ chưa được khai thác. Nay khi nhu cầu pin xe điện đang tăng nhanh, ISA chịu áp lực của nhiều công ty phải sớm cấp giấy phép cho họ khai thác.

Chẳng hạn năm ngoái, Công ty Metals có trụ sở đóng tại Vancouver, Canada cùng đảo quốc Nauru, một nước nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, đã nộp đơn cho ISA để xin khai thác vùng Clarion Clipperton nơi có nhiều đá trầm tích chứa cobalt. Đây là một vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương nằm giữa Mexico và Hawaii, ước tính có chứa ít nhất 30 tỉ mét khối các loại đá giàu kim loại này.

Hành động này kích hoạt một quy định buộc ISA phải có câu trả lời trong vòng hai năm về những gì Nauru cũng như Metals được làm và không được làm khi cho phép khai thác đáy biển, hút đá lấy kim loại cần thiết của ngành sản xuất pin.

Một đảo quốc nhỏ khác, Cook Islands cũng đang muốn khai thác đáy biển để bù đắp vào nguồn thu từ du lịch bị giảm sút mạnh sau đại dịch. Với dân số chỉ có 17.000 người, hai phần ba GDP của Cook Islands đến từ ngành du lịch, nhưng khi dịch Covid-19 bùng nổ đảo quốc này đóng cửa với du khách và làm tắc luôn kế sinh nhai của đa phần người dân ở đây. Nay họ trông chờ nguồn thu mới từ khai thác đáy biển, ước tính có chừng 12 tỉ tấn khoáng chất giàu mangan.

Cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác động môi trường nếu ISA cho phép khai thác đáy biển. Mới tuần trước ISA đã cho phép Công ty Metals khai thác thử nghiệm để đánh giá xem việc khai thác như thế sẽ có những tác động gì lên môi trường và hệ sinh thái dưới đáy biển. Metals cho biết họ sẽ thu lượm vài ngàn tấn đá rồi sẽ chuyển các dữ liệu từ giai đoạn thử nghiệm này cho các nhà khoa học độc lập để đánh giá.

Nhưng trước mắt đã có nhiều tiếng nói phản đối từ các tổ chức môi trường như Greenpeace hay Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên. Liên hiệp châu Âu cũng phản đối hình thức khai mỏ này và đề nghị cấm hẳn cho đến khi nào các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ mọi tác động và trả lời mọi câu hỏi đặt ra. Một số hãng xe như BMW, Renault hay Volkswagen đã hứa sẽ không mua cobalt khai thác từ đáy biển cho đến khi nào đánh giá xong tác động môi trường.

Với các đảo quốc nhỏ, một số mong muốn được phép khai thác như Cook Islands, Nauru, Tonga hay Kiribati; ngược lại cũng có một số đảo quốc chống lại ý tưởng này như Palau, Fiji và Vanuatu. Họ cho rằng đáy biển là nguồn sống lâu dài của họ nên không muốn gây xáo trộn bằng các hoạt động khai thác.

Đây cũng là một nghịch lý cho quá trình chuyển đổi sang các dạng năng lượng không gây hại thêm cho biến đổi khí hậu. Để thúc đẩy việc sản xuất xe điện, người ta lại cần tìm cách khai thác nhiều kim loại cần thiết và việc khai thác như thế, dù trên đất liền hay dưới đáy biển, đều gây ra những tác hại cho môi trường sống.

Trước đây đã có những quan ngại đối với các dự án khai thác nickel ở Indonesia, cobalt ở Congo hay lithium ở Chile; nay lại nảy sinh những quan ngại mới cho các dự án ở đáy biển Thái Bình Dương.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khai-thac-day-bien/