Khai thác di tích lịch sử trong phát triển du lịch và giáo dục địa phương
Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Hiểu rõ về tầm quan trọng của di tích lịch sử văn hóa, những năm qua, huyện Đoan Hùng đã thực hiện hiệu quả việc khai thác các di tích lịch sử văn hóa, nổi bật là di tích chiến thắng sông Lô trong phát triển du lịch, dạy học lịch sử dân tộc và chương trình giáo dục địa phương.
Di tích Chiến thắng sông Lô nằm ở khu vực ngã ba sông Lô - sông Chảy thuộc huyện Đoan Hùng. Đây là chứng tích ghi dấu mốc lịch sử quan trọng của quân và dân Đoan Hùng trong Chiến thắng sông Lô lịch sử năm 1947.


Di tích Chiến thắng sông Lô.
Năm 1947, sau khi bình định được một số vùng ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá hủy căn cứ địa kháng chiến, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam đồng thời khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn sự liên lạc giữa ta với quốc tế. Cuộc tấn công của địch được triển khai theo đường số 4 và đường Sông Lô, tạo thành 2 gọng kìm lớn từ phía Đông và phía Tây nhằm kẹp chặt căn cứ địa cách mạng Việt Bắc.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Trên mặt trận sông Lô, Ban Chỉ huy các lực lượng khu 10 (bộ đội chủ lực) đã phối hợp với dân quân, du kích các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang tích cực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Tại Đoan Hùng, pháo binh mạnh được bố trí tại Chí Đám với phương án tác chiến thí điểm áp dụng chiến thuật mới “đặt gần, bắn thẳng”. Đồng thời, ta bố trí trận địa giả ở các xã Hữu Đô, Đại Nghĩa... nhằm nghi binh. Ngày 24/10/1947, đoàn tàu địch gồm 5 chiếc, được 6 máy bay yểm trợ từ Tuyên Quang xuôi sông Lô đi ứng cứu cho tàu chở quân từ Hà Nội lên đang bị ta chặn đánh tại Khoan Bộ (Lập Thạch - Vĩnh Phúc). Khi tới Chí Đám (Đoan Hùng), chúng lọt vào trận địa phục kích của ta. Sau gần 6 giờ chiến đấu quyết liệt, pháo binh ta đã bắn chìm 2 tàu chiến, bắn bị thương 2 chiếc khác; 350 tên địch cùng một số lớn vũ khí, đạn dược bị tiêu diệt. Sông Lô xanh hiền hòa trở thành mồ chôn quân xâm lược.

Một trong những khẩu sơn pháo quân ta sử dụng để bắn chìm tàu thủy của quân Pháp trên sông Lô.
Chiến thắng Sông Lô tại Đoan Hùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng: Đây là chiến thắng vang dội mở màn đầu tiên cho những chiến thắng tiếp theo trên sông Lô. Từ đây, chúng ta chuyển từ giai đoạn cầm cự sang giai đoạn phát triển chiến tranh du kích tiến tới tổng tiến công giành thắng lợi.
Đến nay, sau gần 80 năm, dù trải ra bao thăng trầm của lịch sử nhưng những dấu ấn về con người và dòng sông thơ mộng, anh hùng mãi in sâu trong tiềm thức mỗi người.

Di tích Chiến thắng sông Lô được lắp đặt các bảng gắn mã QR code để người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin về di tích.
Di tích chiến thắng sông Lô tại thị trấn Đoan Hùng đã được xếp vào loại hình di tích lịch sử kháng chiến cấp Quốc gia theo Quyết định số 2890/VH-QĐ ngày 27/9/1997 của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL). Hiện nay, di tích này được cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương giữ gìn, là điểm đến cho các hoạt động du lịch, trải nghiệm cũng như giáo dục tại địa phương.
Đồng chí Ngô Quang Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đoan Hùng cho biết: Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện, nhiều trường đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc sử dụng Di tích chiến thắng sông Lô trong dạy học lịch sử dân tộc, thông qua các bài nội khóa trên lớp và tại điểm di tích. Giáo viên sử dụng những thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, xây dựng các tình huống có vấn đề giúp lôi cuốn học sinh chú ý tham gia các tiết học lịch sử. Tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế tìm hiểu về di tích, thông qua đó, khuyến khích học sinh phát triển năng lực tự học, mở rộng kiến thức, bồi đắp thêm tình yêu đối với quê hương, đất nước...

Học sinh và giáo viên các trường tham quan, học tập tại di tích.
Cùng với việc đưa di tích lịch sử vào trong giáo dục địa phương, huyện Đoan Hùng cũng đã triển khai một số giải pháp nhằm kết nối di tích chiến thắng sông Lô với tuyến du lịch vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.
Đồng chí Đỗ Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện chia sẻ: Nhằm khai thác hết tiềm năng, giá trị của Di tích chiến thắng sông Lô vào phát triển du lịch, huyện Đoan Hùng đã triển khai một số giải pháp như tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy giá trị di tích chiến thắng sông Lô tại Đoan Hùng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị của di tích. Đầu tư, tôn tạo quần thể các hạng mục của di tích; tổ chức gắn kết Di tích chiến thắng sông Lô với các điểm dừng có cự li gần trên địa bàn huyện như Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đình làng Ngọc Tân, các trang trại chè, bưởi, điểm trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP...
Có thể thấy, chiến thắng sông Lô không chỉ là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam nói chung, quân dân Phú Thọ nói riêng mà còn có giá trị giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau. Mong rằng trong những năm tới, Di tích Chiến thắng sông Lô sẽ là điểm đến đáng chú ý trong hoạt động giáo dục, du lịch địa phương, thu hút được thêm nhiều nguồn lực để bảo tồn di tích và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.