Khai thác du lịch cộng đồng tại Lào Cai: Khi di sản trở thành tài sản

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch thì hiện nay, trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố trên cả nước, địa phương nào cũng có các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng (homestay), trong đó, Lào Cai là địa phương có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) kinh doanh du lịch homestay đông nhất với trên 1.000 hộ. Theo đánh giá của các công ty du lịch lữ hành, khách tham quan du lịch và các nhà quản lý về văn hóa-du lịch, Lào Cai được coi là địa phương có cách làm du lịch cộng đồng hiệu quả nhất, thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Du lịch cộng đồng phát triển đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ảnh: Ngọc Ánh

Du lịch cộng đồng phát triển đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ảnh: Ngọc Ánh

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai, ông Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, cách đây hơn 20 năm (năm 1998), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới giúp thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai thực hiện nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo. Để thu hút khách du lịch, ngành du lịch tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình “Biến di sản thành tài sản” và “Mỗi cộng đồng, mỗi làng bản có một sản phẩm mang tính đặc sản giúp người dân xóa đói giảm nghèo”. Tại thôn Bản Dền (xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa) và thôn Cát Cát (xã San Sả Hồ, thị xã Sa Pa), bên cạnh việc xây dựng các dịch vụ homestay, người dân còn phát triển các dịch vụ khác như: Nấu ăn cho khách, bán đồ uống, hướng dẫn khách, mang vác đồ, xe ôm, biểu diễn ca múa dân tộc, bán các đồ lưu niệm…

Vợ chồng anh Giàng A Lầu và chị Lý Thị Miên, dân tộc Mông, ở bản Cát Cát bắt tay làm homestay từ đầu năm 2008 và đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Trước đây, hai vợ chồng anh Lầu, chị Miên chỉ làm nông nghiệp và bán hàng nên không đủ ăn. Sau khi tham gia chương trình “Biến di sản thành tài sản”, được tham gia lớp đào tạo miễn phí làm du lịch, anh chị trở về bán đi một con trâu, vay thêm vốn ngân hàng để sửa sang lại nhà cửa, công trình nhà vệ sinh, mua sắm thêm chăn đệm... đầu tư kinh doanh dịch vụ homestay. Đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình anh Lầu đã đón tiếp khoảng 300 lượt khách đến ăn nghỉ tại nhà, trừ các khoản chi phí, mỗi tháng gia đình anh có thu nhập từ 4-6 triệu đồng.

Từ khi homestay phát triển, đời sống của người dân ở các bản làm dịch vụ này được nâng lên đáng kể. Đồng bào các DTTS đã ý thức được tầm quan trọng của vốn di sản văn hóa bản địa trong tiến trình phát triển du lịch tại bản làng. Nhiều điểm du lịch cộng đồng mới được xây dựng đã phát huy hiệu quả cao như ở Tả Van Chư (huyện Bắc Hà), Cát Cát (thị xã Sa Pa), Cao Sơn (huyện Mường Khương). Bình quân mỗi năm, số lượng khách du lịch đến với tỉnh Lào Cai vượt qua con số 1 triệu lượt khách.

Bên cạnh tạo ra nguồn thu nhập, mô hình homestay cũng tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc ở Lào Cai. Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế còn giúp các địa phương trong tỉnh khôi phục “làm mới” một số ngành nghề truyền thống, như: Tổ chức Craft Link hỗ trợ đồng bào dân tộc Dao (xã Tà Phìn) và dân tộc Mông (xã Hoàng Liên), thị xã Sa Pa phát triển Câu lạc bộ thổ cẩm, tạo việc làm cho gần 100 chị em dân tộc Mông và Dao; Tổ chức Lao động thế giới phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển nghề nông thôn Việt Nam hỗ trợ xây dựng 5 mô hình nghề thí điểm phục vụ du lịch tại Sa Pa, tạo việc làm trực tiếp cho trên 100 hộ đồng bào DTTS.

Cùng với sự phát triển homestay, nhiều loại ẩm thực địa phương cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn tại các nhà hàng như: Thắng cố, xôi bảy màu, lạp sườn, tương ớt, gạo Séng Cù, các loại rượu... Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng dần thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành nhằm tăng cường trải nghiệm cho du khách, đồng thời giới thiệu và tôn vinh văn hóa truyền thống.

Để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển du lịch tại các vùng đồng bào DTTS, tỉnh Lào Cai cũng đã công nhận 19 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên… Đồng thời, cấp phép cho trên 1.000 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia với mức thu nhập bình quân từ 50-70 triệu đồng/năm, có hộ đạt 150-200 triệu đồng/năm.

Để du lịch cộng đồng tiếp tục phát triển mạnh, trở thành sinh kế bền vững cho người dân, trong thời gian tới, Lào Cai tập trung duy trì 10 mô hình homestay đạt tiêu chuẩn ASEAN tại thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà; đầu tư nâng cấp các điểm du lịch cộng đồng đang khai thác; phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc với chủ đề “Sa Pa - xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”; thúc đẩy phát triển và hình thành 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với 5 nhóm DTTS đặc trưng của tỉnh...

Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khai-thac-du-lich-cong-dong-tai-lao-cai-khi-di-san-tro-thanh-tai-san-post458128.html