Khai thác du lịch từ lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số
Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nghi lễ, lễ hội gắn với từng vùng đất mang đến những nét đặc sắc và hấp dẫn riêng từ trang phục, ẩm thực truyền thống đến nghi thức, nghi lễ. Các lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa, còn mà là tiềm năng hấp dẫn để phát triển du lịch.
Dấu ấn riêng từng dân tộc
Hàng năm, vào ngày Tết dương lịch, đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar lại cùng nhau tổ chức Lễ hội mừng lúa mới. Du khách đến lễ hội được thưởng thức ẩm thực truyền thống, được hòa mình vào không khí lễ hội và thỏa sức khám phá, nghiên cứu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Xê Đăng. Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức thường niên thu hút đông đảo người dân khắp vùng đến vui hội.
Theo ông Vi Von, Buôn trưởng buôn Kon Hring, Lễ hội mừng lúa mới được duy trì tổ chức từ năm 1994 đến nay, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Xê Đăng. Đồng thời, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, cũng như giới thiệu, quảng bá nét đẹp truyền thống của dân tộc Xê Đăng đến du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa, lễ hội cũng là dịp phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Tương tự, Lễ hội đua thuyền độc mộc của cộng đồng dân tộc M'nông sống ven hồ Lắk được tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 3 dương lịch. Trong khuôn khổ Lễ hội đua thuyền độc mộc, du khách được trải nghiệm các nghi lễ mang đậm tính tâm linh như: Lễ cúng hạ thủy thuyền, Lễ cúng sức khỏe cho voi, ngắm nhìn những con voi nhà thưởng thức tiệc buffet, xem nghệ nhân trình diễn quy trình chế tác sản phẩm gốm truyền thống của người M'nông, thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào M'nông với những món ăn mang đậm hương vị của rừng và sản vật từ hồ Lắk.
Khác với lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc xã Ea Tam, huyện Krông Năng, hay còn gọi là Chợ tình Ea Tam cũng là điểm nhấn ấn tượng mà đồng bào các dân tộc phía Bắc lưu giữ, phát huy trên mảnh đất Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức vào dịp rằm tháng giêng hàng năm. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi về tham dự. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng của các dân tộc phía Bắc như: điệu xòe của người Thái, hòa vào nhịp tính bài then của người Tày, Nùng, thưởng thức các món ăn truyền thống của núi rừng Tây Bắc...
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn nhiều lễ hội hấp dẫn khác như: Lễ hội khai hạ của dân tộc Mường xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột; Lễ hội dân gian Việt Bắc của người Tày, Nùng xã Cư Êwy, huyện Cư Kuin; Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của dân tộc Ê Đê xã Ea Tul, huyện Cư M’gar; Lễ hội Bunpimay của người Lào huyện Buôn Đôn... Mỗi dân tộc mang nét đẹp văn hóa riêng, tạo ra những điểm nhấn đặc sắc mang tính vùng miền gắn với từng dân tộc. Đó không chỉ là tiềm năng, là nguồn lực để khai thác phát triển du lịch, mà còn quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh quảng bá để khai thác tiềm năng du lịch từ lễ hội
Xác định tiềm năng, nguồn lực để khai thác du lịch từ lễ hội là rất lớn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có sự quan tâm đầu tư nâng tầm lễ hội vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa đáp ứng nhu cầu du khách. Theo bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, sau nhiều năm tổ chức, Đảng ủy xã Ea Tam nhận thấy hoạt động văn hóa gắn bó máu thịt với đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã, là món ăn tinh thần không thể thiếu và trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Lễ hội năm nay, xã đã đầu tư cơ sở vật chất, hình thức tổ chức từ bố trí bãi gửi xe rộng rãi, công an trực an ninh, đến khu ẩm thực, khu trò chơi... để người dân và du khách được trải nghiệm thuận tiện nhất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Y Wem Hwing nhấn mạnh: Lễ hội không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, mà còn tạo nguồn cảm hứng gắn kết cộng đồng các dân tộc ở mỗi địa phương. Huyện Cư M’gar xem việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, huyện Cư M’gar đang giữ gìn nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc, trong đó, Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của dân tộc Ê Đê xã Ea Tul được huyện duy trì tổ chức nhiều năm nay. Sắp tới, huyện Cư Mgar sẽ nâng cấp Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xơ Đăng thành lễ hội cấp huyện nhằm quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa của đồng bào Xơ Đăng đến du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các lễ hội đều đang dừng lại ở quy mô nhỏ, sức lan tỏa chưa sâu rộng và việc khai thác lễ hội chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi việc tuyên truyền về lễ hội của các địa phương chưa đến được các doanh nghiệp lữ hành và chưa đủ cơ sở để khai thác đưa vào tour du lịch.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Để khai thác tốt tiềm năng du lịch từ lễ hội, ngoài việc tuyên truyền, phối hợp phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống, truyền dạy đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các địa phương còn phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch ở các địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ hướng dẫn các địa phương pháp lý hóa các lễ hội để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có cơ sở xây dựng tour phục vụ du khách.