Khai thác giá trị ẩm thực chay phục vụ du lịch
Nhắc đến ẩm thực Huế, du khách luôn dành những lời khen. Trong đó, ẩm thực chay Huế là một điểm nhấn đặc biệt. Việc khai thác giá trị ẩm thực chay phục vụ du lịch không chỉ là cơ hội để thúc đẩy du lịch, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực chay Huế.
Ẩm thực chay, nhiều người mê
Đến Huế đúng vào dịp Cố đô diễn ra Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế, anh Ngô Hoài Ân, du khách từ Bình Định chờ đón nhất là lễ hội ẩm thực chay. Anh chia sẻ: “Ẩm thực Huế, mình thưởng thức rất nhiều món. Quả thực, món nào cũng ngon nhưng mình mê nhất là ẩm thực chay. Đồ ăn chay của Huế có thể nói rất đa dạng và hấp dẫn mà chẳng nơi nào có được. Đến lễ hội không phải để thưởng thức bằng vị giác, mà còn để chiêm ngưỡng nét phong phú, đa dạng về cách chế biến, sự tinh tế, khéo léo trong sắp đặt, bài trí từ đôi bàn tay tài hoa của những người đầu bếp”.
Trong không gian rợp bóng cây xanh bên cạnh bờ sông Hương thơ mộng, lễ hội Ẩm thực chay – Festival Huế 2024 vừa qua đã mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị về ẩm thực chay Huế với quy mô 36 gian hàng, với 78 món chay đến từ 43 đơn vị là các khách sạn, nhà hàng và các chùa trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Trần An Nhiên, một du khách tham dự lễ hội chia sẻ: “Có đến Huế mới biết, ẩm thực chay như một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Ăn chay ngoài mục đích thực hành hướng thiện, nuôi dưỡng tâm từ bi còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Những điều ấy chỉ có trải nghiệm mới thấu hiểu và cảm nhận rõ ràng”.
Lựa chọn ẩm thực chay những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Theo kết quả nghiên cứu, phân tích của các nhà khoa học, thực phẩm chay đủ các chất dinh dưỡng nên ăn chay đúng cách có những ưu điểm về sức khỏe thân thể và tâm trí, ngăn ngừa được nhiều bệnh tật, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường… Người ăn chay không chỉ theo truyền thống, sở thích của cha mẹ, niềm tin đạo đức hoặc tôn giáo… mà đã mở rộng ra tất cả mọi người dân và du khách, bởi những mối quan tâm về sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, tại TP. Huế có hàng chục nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ phục vụ các món ăn chay. Ngoài phục vụ nhu cầu ẩm thực chay của người dân địa phương, ẩm thực chay là một sản phẩm du lịch của Huế mà nhiều du khách tìm đến thưởng thức. Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia về văn hóa ẩm thực ở Huế, ăn chay trở thành một trào lưu ngày càng phát triển. Tỷ lệ người ăn chay ở Việt Nam chiếm gần l0% dân số và đang tăng dần, riêng ở Huế con số này nhiều hơn. Mọi người ăn chay không hẳn vì tín ngưỡng tôn giáo, hay tâm niệm cầu nguyện điều gì, mà vì món chay giúp thay đổi khẩu vị và tốt cho sức khỏe.
Khai thác hiệu quả phục vụ du lịch
Huế được mệnh danh là “cái nôi” Phật giáo của nước ta. Một kết quả thống kê cho thấy, Huế có khoảng 108 ngôi chùa và hơn 300 niệm phật đường. Nhiều người Huế theo đạo Phật, truyền thống ăn chay có từ lâu đời, do đó ẩm thực chay phát triển thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo, riêng biệt của người dân Cố đô. Huế cũng là mảnh đất mà khách tìm đến để đi du lịch tâm linh, du lịch chữa lành. Việc khai thác giá trị ẩm thực chay phục vụ du lịch không chỉ là cơ hội để thúc đẩy du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ẩm chay Huế.
Không phủ nhận, Huế đã có nhiều nhà hàng, quán ăn chay phục vụ du khách. Nhưng xét về góc độ sản phẩm du lịch để thực sự thu hút và phục vụ du lịch, ẩm thực chay chưa thể là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Huế. Theo các chuyên gia du lịch, Huế cần xây dựng các tour du lịch chuyên đề, kết hợp giữa hành hương, chiêm bái chùa Huế và ẩm thực xanh, sạch, giúp du khách trải nghiệm các món chay đặc sản và đa dạng hóa sản phẩm ẩm thực chay địa phương.
Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng, có 4 yếu tố làm nên thành công và lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt, trong đó có giá trị lịch sử, chuỗi giá trị nuôi trồng đến đưa lên bàn ăn, yếu tố con người (nhà nghiên cứu, nghệ nhân) và tính lan tỏa, truyền thông. 3 yếu tố đầu Huế có đủ, nhưng tính lan tỏa, truyền thông Huế làm chưa tốt. Lâu nay vẫn chủ yếu theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương. Dù tính truyền khẩu tốt nhưng cách truyền thông chưa bài bản, chuyên nghiệp, chưa tận dụng được sức mạnh mạng xã hội để truyền thông. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để mọi người cùng nghe, cùng biết, cùng tìm và cùng thấy tinh hoa văn hóa ẩm thực chay xứ Huế. Là mảnh đất có nhiều chùa, nhiều gia đình Phật tử, nên chăng có thể tổ chức các chương trình ẩm thực chay dưới đêm trăng vào những ngày rằm, hoặc các những thời điểm phù hợp.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Huế cần thường xuyên tổ chức các sự kiện có giao lưu về ẩm thực chay xứ Huế giữa các nghệ nhân và khách hàng để thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa. Đặc biệt, Huế cần sớm xây dựng mô hình tuyến phố ẩm thực chay trên các địa bàn thuận lợi để phát huy bản sắc ẩm thực chay là điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành du lịch và các đơn vị liên quan đang phối hợp triển khai nhiều hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Huế, số hóa 3D ẩm thực, tổ chức các lễ hội ẩm thực, trong đó có ẩm thực chay. Sắp tới, ngành sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động để khai thác và nâng tầm ẩm thực Huế, ẩm thực chay xứ Huế gắn với các hoạt động du lịch một cách bài bản hơn.