Khai thác giá trị sông Hồng
Với quỹ đất rộng gần 11.000 ha nằm ở khu vực đô thị trung tâm, nhưng từ nhiều năm nay công tác quản lý, khai thác giá trị sông Hồng còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phân khu đô thị sông Hồng, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở là cơ sở quan trọng để thiết kế đô thị, hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức công bố Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa bàn 13 quận, huyện.
Chỉnh trang, tái thiết các khu dân cư ngoài đê
Theo đồ án phân khu đô thị sông Hồng là không gian thoát lũ. Đoạn chảy qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn). Quy hoạch xác định: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ; không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch sông Hồng là trục không gian đặc trưng hành lang xanh, phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống cho người dân khu vực ngoài đê, nhất là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp; cầu hoặc hầm kết nối đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển khu vực và thành phố. Đồ án cũng xác định việc cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân nhiều năm nay.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, đại diện đơn vị thực hiện đồ án quy hoạch cho biết, theo số liệu thống kê, trong phạm vi quy hoạch hai bên sông Hồng hiện có khoảng 243.670 người, tương đương hơn 66 nghìn hộ dân sinh sống. Vì thế, đồ án quy hoạch đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Cụ thể, tại các khu dân cư được tồn tại sẽ bố trí quỹ đất 5% diện tích để phục vụ nhu cầu di dân, giãn dân, tái định cư tại chỗ.
Việc chỉnh trang, tái thiết đô thị trên nguyên tắc ưu tiên các công trình hạ tầng xã hội, cây xanh vườn hoa, sân chơi thể dục thể thao, công cộng, thương mại dịch vụ; công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi đỗ xe, trường học. Nhóm nhà ở xây dựng mới sẽ bố trí tại khu vực bãi sông được phép xây dựng theo hướng thuận dòng chảy và địa chất thủy văn của sông, mật độ xây dựng thấp. Quỹ đất này cũng dành ưu tiên cho tái định cư phục vụ nhu cầu di dân giải phóng mặt bằng khu vực dân cư hai bên sông, góp phần giảm áp lực cho khu vực nội đô lịch sử.
Nâng cấp cải tạo và xây dựng mới các tuyến đường
Hạn chế lớn được các chuyên gia quy hoạch nhắc tới trong nhiều năm qua là thành phố đã bỏ quên việc khai thác giá trị sông Hồng để kiến tạo một trục không gian, hành lang xanh, kết nối hai bên bờ sông. Vì thế, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã tập trung khắc phục hạn chế này bằng việc nâng cấp, cải tạo và đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường mới, cầu bắc qua sông.
Về giao thông đường bộ, quy hoạch định hướng sẽ xây dựng mới hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng. Tại trục bờ hữu Hồng từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch đường với quy mô mặt cắt ngang tối thiểu bốn làn xe cơ giới và từ hai đến bốn làn hỗn hợp. Trục bờ tả Hồng từ cầu Thượng Cát-đê Tả Hồng-cầu Vĩnh Tuy-cầu Thanh Trì quy hoạch đường với quy mô mặt cắt rộng từ 40 đến 60 m, tương đương từ sáu đến 10 làn xe.
Các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô, như đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái được quy định cấp hạng là đường liên khu vực với quy mô từ bốn đến 10 làn xe. Các tuyến đường chính đô thị, liên khu vực khác có bề rộng quy mô từ 40 đến 50 m, tương đương từ sáu đến tám làn xe. Các tuyến đường chính khu vực được đầu tư xây dựng trên cơ sở nâng cấp các đoạn tuyến đê hiện có như đê tả Hồng, đê hữu Hồng đoạn Liên Mạc-Thượng Cát, đoạn phía nam cầu Thanh Trì, với quy mô từ bốn đến sáu làn xe... Các tuyến phố, ngõ xóm đi qua khu vực dân cư hiện có, khi xây dựng cải tạo mở rộng sẽ tận dụng tối đa đường hiện có.
Đáng chú ý, đồ án quy hoạch xác định sẽ đầu tư xây dựng mới sáu cầu đường bộ qua sông Hồng gồm cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4, cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5, cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng, cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên.
Tại buổi công bố Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, thành phố xác định quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quản lý phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng và cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; kiểm tra, quản lý quy hoạch và rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn phù hợp với quy hoạch được duyệt... để Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sớm đi vào thực tiễn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/khai-thac-gia-tri-song-hong-692353/