Khai thác gỗ rừng trồng về đích sớm
Năm 2019, toàn tỉnh có kế hoạch khai thác 9.600 ha rừng trồng, sản lượng 859.000 m3. Tính đến hết tháng 11, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch khai thác.
Theo tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các địa phương có diện tích khai thác lớn như Sơn Dương trên 1.723,3 ha, Chiêm Hóa 1.500 ha, Yên Sơn 2.800,3 ha… Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ khai thác gỗ rừng trồng nhanh hơn so với những năm trước là do thời tiết từ tháng 9 đến nay khô ráo; việc giao kế hoạch khai thác đã căn cứ trên nhu cầu thực tế của các chủ rừng. Tại nhiều lô rừng, đường vận xuất đã được mở, người trồng rừng không còn lo lắng do chi phí vận chuyển gỗ sau khai thác.
Huyện Sơn Dương đã khai thác được 1.723,7 ha rừng, đạt 106% kế hoạch. Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho rằng, nguyên nhân kích thích được người trồng rừng và công ty tập trung khai thác gỗ rừng đúng chu kỳ là do giá gỗ đang rất ổn định, hiện 1 m3 gỗ có giá từ 1,2 - 2 triệu đồng, tùy vào đường vanh và chủng loại gỗ. Cơ chế thu mua của các doanh nghiệp cũng nhanh gọn, nếu chủ rừng có phương tiện, nhân lực khai thác doanh nghiệp sẽ mua theo giá gỗ tròn; chủ rừng không có điều kiện khai thác doanh nghiệp mua cây đứng và tự khai thác.
Anh Trần Xuân Quảng, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, năm nay do không có nhân lực khai thác nên công ty đã bán cây đứng cho thương lái. Ngay khi hợp đồng mua, bán được ký kết, các doanh nghiệp đã đưa máy móc, nhân lực vào khai thác, tiến độ được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Đến giữa tháng 11, 300 ha rừng nằm trong kế hoạch đã được khai thác xong.
Cùng với các công ty lâm nghiệp, các hộ trồng rừng cũng đã khai thác hết diện tích rừng trong chu kỳ. Ông Hoàng Xuân Sính, thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) phấn khởi nói, gia đình ông vừa khai thác xong 3 ha rừng keo, mỡ, thu trên 350 m3 gỗ. Tính bình quân 1,55 triệu đồng/m3, ông Sính thu trên 540 triệu đồng.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mặc dù diện tích khai thác đạt mục tiêu đề ra nhưng sản lượng gỗ khai thác vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 70 - 75 m3/ha. Nguyên nhân là do một số diện tích rừng phải khai thác trong điều kiện tận thu do bị nhiễm bệnh, mưa bão… Cụ thể, tại Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương khai thác hơn 300 ha nhưng có đến trên 30 ha khai thác tận thu do keo bị nhiễm bệnh chết héo; Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình trong tổng số 80 ha nằm trong kế hoạch khai thác có đến 16 ha phải khai thác sớm do mưa bão làm cây bị gẫy đổ, nấm bệnh gây chết héo. Các công ty lâm nghiệp tính toán, do diện tích rừng phải tận thu nên sản lượng gỗ chỉ đạt 40 - 50 m3/ha, bằng 1/2 sản lượng gỗ rừng trồng đủ tuổi và không bị tổn thất.
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, từ sản lượng gỗ khai thác rừng trồng đạt thấp đã đặt ra vấn đề cho ngành chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp, người trồng rừng cần phải quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, sản lượng gỗ rừng trồng. Trong đó, trọng tâm là sử dụng cây giống chất lượng cao; chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây rừng hiệu quả. Thực tế hiện nay, nhiều người trồng rừng vẫn chưa thực sự quan tâm đầu tư đến chất lượng cây giống, tỷ lệ giống cây chất lượng cao phục vụ trồng rừng vẫn ở mức thấp; quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng keo chết héo chưa được chủ rừng xử lý triệt để khiến cho bệnh lan rộng gây thiệt hại về kinh tế. Tỉnh vẫn duy trì cơ chế hỗ trợ cây giống chất lượng cao gồm giống keo lai mô và giống keo hạt ngoại phục vụ trồng rừng nên các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký với chính quyền địa phương để được hưởng lợi.