Khai thác hiệu quả công trình thủy lợi

Công trình thủy lợi được xây dựng đồng bộ, hiện đại sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống bão, lũ; đồng thời, bảo đảm nguồn nước tưới, chủ động chống úng cho sản xuất, dân sinh.

Trạm bơm Lương Tài (Văn Lâm) được xây dựng đồng bộ

Trạm bơm Lương Tài (Văn Lâm) được xây dựng đồng bộ

Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý, vận hành 618 trạm bơm tưới và tưới tiêu kết hợp và 220 trạm bơm chuyên tiêu, với 1.924 máy bơm các loại; 19 trạm bơm cột nước thấp có công suất từ 2.500 m3/h đến 8.000 m3/h để cấp nguồn nước tưới, tiêu cho những khu vực khó khăn. Hệ thống kênh nội đồng cơ bản được hoàn thiện từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, với tổng chiều dài hơn 6.289km, trong đó có 93,5km sông trục hệ thống sông Bắc Hưng Hải, 1.195km kênh trục liên huyện và kênh dẫn nước tưới, tiêu chính, hơn 5.000km kênh tiểu thủy lợi.

Công trình thủy lợi trong đồng được phân chia thành 4 khu gồm: Bắc Kim Sơn, Châu Giang, Ân Thi và Nam Cửu An, phục vụ tưới, tiêu cho dân sinh, nông nghiệp và các hoạt động kinh tế. Nguồn nước phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu lấy từ sông Hồng qua cống Xuân Quan vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải và các sông trục cấp nước phục vụ dân sinh, hoạt động kinh tế và tạo nguồn cho các trạm bơm phục vụ tưới cho cây trồng; nguồn nước lấy từ sông Luộc tăng cường phục vụ cho huyện Tiên Lữ và huyện Phù Cừ thông qua cống Võng Phan.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trạm bơm xuống cấp, chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp; hệ thống kênh mương chủ yếu là kênh đất thường xuyên bị sạt trượt, bồi lắng, mặt cắt dòng chảy thu hẹp, thiết bị vận hành công trình lạc hậu, hiệu suất phục vụ tưới, tiêu không cao, gây khó khăn cho việc ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Một số hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước. Còn tình trạng người dân, tổ chức, doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước; các hành vi vi phạm công trình thủy lợi còn xảy ra, chậm được khắc phục…

Trạm bơm Hòa Đam 1 (thị xã Mỹ Hào) được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu

Trạm bơm Hòa Đam 1 (thị xã Mỹ Hào) được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu

Với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, từng bước tăng mức bảo đảm cấp, thoát nước phục vụ dân sinh, nông nghiệp, đô thị, công nghiệp và các hoạt động kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập; thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay; ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã xây dựng đề án và đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 có 100% công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm đủ năng lực, an toàn khi hoạt động. Nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống thủy lợi đối với yêu cầu phát triển nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường nước. Chủ động tưới cho 100% diện tích cấy lúa 2 vụ. Bảo đảm tiêu nước phục vụ nông nghiệp; đáp ứng yêu cầu tiêu, thoát nước phục vụ dân sinh, đô thị, công nghiệp, các ngành kinh tế khác và thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát, xây dựng thí điểm một số công trình thủy lợi cấp nước tiên tiến (cấp nước có áp lực) cho cây trồng cạn.

Đồng chí Nguyễn Văn Kình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực tưới, tiêu của các công trình thủy lợi, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Điều tra, cập nhật hiện trạng, đánh giá năng lực phục vụ của hệ thống thủy lợi; phương thức quản lý, khai thác, năng lực của đội ngũ quản lý; đánh giá nguồn nước, quy hoạch phát triển diện tích cây trồng cạn và đề xuất giải pháp cấp nước tưới theo phương pháp tiên tiến, tiết kiệm. Tập trung đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi, nhất là đối với các công trình đầu mối, cống điều tiết phục vụ cho sản xuất; áp dụng phương thức canh tác bền vững, tiết kiệm nước. Thúc đẩy các dự án đầu tư công - tư; phát triển hạ tầng thủy lợi, trạm bơm, nạo vét, nâng cấp công trình nội đồng; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi ở vùng bãi sông Hồng, sông Luộc; khai thác tốt nguồn nước kết hợp phục vụ sinh hoạt, giao thông đường thủy, công nghiệp và nuôi thủy sản. Tiếp cận, áp dụng chương trình chuyển đổi, ứng dụng số vào quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn xã hội hóa, vốn của Trung ương, vốn của tỉnh và các tổ chức trong, ngoài nước để đầu tư, khai thác, quản lý hệ thống công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khai-thac-hieu-qua-cong-trinh-thuy-loi-3174835.html