Khai thác hiệu quả giá trị lễ hội

Sau 1 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, hoạt động này đã có chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; đóng góp tích cực cho phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.

 Lễ hội đóng góp tích cực cho phát triển du lịch địa phương

Lễ hội đóng góp tích cực cho phát triển du lịch địa phương

Việt Nam là nước có số lượng lễ hội lớn, trải dài khắp các vùng miền. Mỗi lễ hội mang những nét tiêu biểu, giá trị khác nhau, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Lễ hội cũng chính là sản phẩm văn hóa quan trọng, bền vững đối với hoạt động du lịch, mang lại nguồn sinh kế cho cộng đồng các địa phương.

Năm 2019, theo đánh giá từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL),các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong đó, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng, với nhiều hoạt động phong phú, góp phần giới thiệu, quảng bá, giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc…

Đại diện Bộ VHTT&DL nhấn mạnh, việc tổ chức, phục dựng hiệu quả các hoạt động lễ hội, quan tâm đến việc khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc có trong lễ hội góp phần khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Ngành VHTT&DL cùng chính quyền các địa phương đã quan tâm đến công tác cơ sở hạ tầng, tiếp nhận ý kiến của nhân dân, vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, cảnh quan môi trường.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã để xảy ra những biến tướng trong lễ hội, gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của sự kiện, như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Trước tình trạng này, Bộ VHTT&DL đã quyết liệt chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động làm việc với cơ quan quản lý của địa phương, chính quyền các cấp tìm giải pháp nhằm thay đổi hình thức tổ chức và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, mùa lễ hội 2019, đã giảm bớt các hiện tượng mê tín dị đoan, đổi tiền hưởng chênh lệch, tình trạng "chặt chém" trong các dịch vụ được ngăn chặn. Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu - chi tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch…, bảo đảm gìn giữ sự trang nghiêm của di tích, lễ hội…

Năm 2019 gần khép lại, cả nước lại chuẩn bị bước vào mùa lễ hội mới. Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL - cho biết, để thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2020, ngành VHTT&DL sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo chính quyền các cấp, địa phương triển khai thực hiện quản lý, tổ chức lễ hội. Theo đó, đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân; có kế hoạch triển khai hiệu quả hơn nữa sự phối hợp giữa ngành văn hóa với các cơ quan, ban, ngành quản lý, tổ chức lễ hội. "Yêu cầu các địa phương chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; phân công nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, chi tiết để triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội hiệu quả, an toàn, văn minh, tiết kiệm" - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Bộ VHTT&DL đề nghị các địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện sai phạm và những biểu hiện không phù hợp tại các lễ hội.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khai-thac-hieu-qua-gia-tri-le-hoi-130452.html