Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch - Bài 2

Bên cạnh lợi thế về tài nguyên khoáng sản, huyện Chợ Đồn còn có tiềm năng phát triển du lịch bởi hội tụ đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên… với nhiều công trình di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Giai đoạn 2020-2025 định hướng của huyện là huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch.

Mấy năm gần đây, huyện Chợ Đồn chú trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về du lịch vùng An toàn khu. (Ảnh: Hà Tuyết, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Đồn).

Đa dạng các điểm đến

Chợ Đồn có 19 xã và 1 thị trấn với dân số hơn 52.000 người, 7 dân tộc cùng sinh sống. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chợ Đồn nằm trong vùng chiến khu cách mạng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm an toàn khu hoạt động kháng chiến, gọi chung là ATK Việt Bắc. Khu di tích lịch sử đặc biệt an toàn khu gồm 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 14 di tích lịch sử cấp tỉnh và 42 điểm đã kiểm kê nhưng chưa được công nhận.

Các điểm di tích chủ yếu phân bổ dọc Quốc lộ 3C, từ địa phận xã Bằng Lãng, Lương Bằng đến các xã Nghĩa Tá, Bình Trung, Bản Thi. Ngoài ra, trên địa bàn còn các điểm di tích khác như hệ thống đường dây cáp tời quặng tại xã Bản Thi là minh chứng về tiềm năng khoáng sản, đồng thời là hiện vật sinh động chứng minh sự đô hộ của thực dân Pháp đối với Nhân dân ta. Đền Thiên Sơn tại thôn Hợp Tiến, xã Bản Thi là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Hay điểm nhà máy in tiền thuộc Bộ Tài chính đặt tại Phja Tắc (xã Bản Thi) cũng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Khí hậu mát mẻ ở khu vực núi Phja Khao cùng với việc phát triển các loại cây trồng đặc sản, các loài sinh vật cảnh khu Bảo tồn Nam Xuân Lạc đều rất đáng trải nghiệm, khám phá. Chợ Đồn còn có nghề nấu rượu men lá truyền thống ở xã Bằng Phúc, có chè Shan tuyết cổ thụ, những nếp nhà sàn đơn sơ, mộc mạc... đều dễ để lại ấn tượng cho du khách thưởng ngoạn.

Có thể thấy, Chợ Đồn hội tụ tương đối đầy đủ những nét đặc trưng riêng của vùng Đông Bắc về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, ẩm thực và phong tục tập quán, tín ngưỡng, tâm linh… Những lễ hội tiêu biểu như lễ cầu mùa của người Dao, lễ cấp sắc, lễ hội lồng tồng; các bản nhà sàn bên sườn núi, ven sông hồ; các làn điệu hát then, đàn tính, sli, lượn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao, các món ăn dân dã đậm vùng miền. Với vị trí địa lý, đặc điểm của địa hình, nhiều khu vực còn có những khe suối, thung lũng nhỏ cảnh quan độc đáo mà thiên nhiên ban tặng như: Bó Cốc Liềng (hay gọi là suối mắt rồng), Phja Vỳ (thị trấn Bằng Lũng), thác Bó Lòm (xã Đồng Lạc), suối Vằng Hên; khu vực nuôi, chế biến cá hồi xã Bằng Phúc; hang Nước Rồng, thác Đăng Vài ở thôn Bản Loàn (xã Yên Thịnh)...

Mấy năm gần đây, huyện Chợ Đồn đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, thu hút du lịch như: Tổ chức chợ đêm, khôi phục các lễ hội truyền thống, có kế hoạch tu bổ, tôn tạo các điểm di tích. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ... từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách. Trên địa bàn có 8 cơ sở được công nhận là nhà nghỉ, lưu trú du lịch. Khi chưa có dịch Covid-19, trên địa bàn mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách, doanh thu từ hoạt động cơ sở lưu trú du lịch hằng năm đạt khoảng 600 triệu đồng.

Hệ thống đường dây cáp tời quặng, chứng tích về sự bóc lột của thực dân Pháp đối với công nhân mỏ, chì kẽm Bản Thi từ năm 1909-1941.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ du lịch của huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Khách du lịch thường tự đến, tự đi, tự tìm hiểu, chưa có sự hướng dẫn, tư vấn về lộ trình, điểm đến và nhiều danh điểm để trải nghiệm. Một số di tích bị xuống cấp theo thời gian, không gian kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên tại các khu di tích còn trống trải, chưa được đầu tư, tu bổ kịp thời. Các hạng mục công trình về điện thắp sáng, bãi đỗ xe cho khách du lịch, công trình nước, nhà vệ sinh tại các khu di tích chưa được đầu tư. Kiến trúc tại khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh vẫn còn sơ sài, chưa xứng tầm với ý nghĩa.

Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư, phát triển du lịch

Trước thực trạng trên, huyện Chợ Đồn đã ban hành Đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa gắn với du lịch, từng bước khai thác ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Thời gian tới, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các sở, ban, ngành như: Sớm có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch về nguồn ATK Chợ Đồn để liên kết với các vùng ATK Định Hóa (Thái Nguyên), khu ATK Tân Trào (Tuyên Quang). Quan tâm về nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, không gian, kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên để xứng tầm với giá trị lịch sử, thế mạnh của huyện, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách thập phương. Ưu tiên nguồn vốn sửa chữa nâng cấp hạ tầng giao thông của huyện đảm bảo kết nối đồng bộ, tạo thành mạng lưới tới các điểm, khu du lịch tiềm năng của tỉnh.

Huyện sẽ tích cực quảng bá thế mạnh của địa phương, thu hút các nguồn lực đầu tư, khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất (như xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục các làng nghề, chỉnh trang, tôn tạo nhà cửa, đường giao thông, bãi đỗ xe…). Điều chỉnh quy hoạch, định hướng sản xuất nông nghiệp, tổ chức tham quan, đào tạo, tập huấn, xúc tiến du lịch, tạo cảnh quan môi trường thân thiện. Có cơ chế, hướng dẫn cụ thể đối với các khu vực ATK khi tạo tuyến, tua du lịch trong huyện và các huyện bạn để tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202108/khai-thac-tiem-nang-cong-nghiep-du-lich-cho-don-khai-thac-hieu-qua-tiem-nang-du-lich-bai-2-3af362e/