Khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển bền vững ngành thủy sản
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020–2025 xác định, phát triển ngành thủy sản là 1 trong 3 chương trình trọng tâm. Sự định hướng này sẽ là căn cứ quan trọng để thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản.
Thu mua hải sản ở cảng Hới.
Sầm Sơn nằm gần các ngư trường khai thác chính ở phía Bắc của Vịnh Bắc bộ, lại có Cảng Hới vốn được xem là một trong những cảng cá lớn của vùng Bắc Trung bộ. Do vậy, thủy sản không chỉ là ngành sản xuất truyền thống, mà còn là ngành sản xuất chính, có nhiều ưu thế của TP Sầm Sơn. Tính riêng giai đoạn 2015-2020, ngành thủy sản phát triển tương đối toàn diện, cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề biển. Cụ thể, sản lượng khai thác tăng bình quân 6,1%/năm; riêng năm 2020 ước đạt 29.700 tấn (trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 29.450 tấn; nuôi trồng ước đạt 250 tấn). Khai thác thủy sản từng bước chuyển dịch từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, năng lực khai thác được nâng lên. Tổng số phương tiện tàu thuyền tính đến cuối năm 2020 là 1.809 phương tiện. Cùng với việc khai thác, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được thành phố quan tâm duy trì hàng năm tại các xã, phường; cũng như Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản (từ 15-3 đến 15-5). Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản đến người dân trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản những năm qua cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là sự thu hẹp của ngư trường khai thác thủy sản do Hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc đã hết hiệu lực; nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, sản phẩm thu hoạch có giá trị kinh tế không cao; lao động tham gia khai thác thủy sản thường không ổn định, trình độ, kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác của ngư dân vẫn chưa cao thiếu lao động đi khai thác xa bờ. Cùng với đó là tình trạng sử dụng ngư cụ kết hợp chất nổ, xung kích điện trái quy định; tàu cá hoạt động sai vùng quy định trong giấy phép khai thác vẫn còn diễn ra... Việc ghi, nộp sổ nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản của chủ tàu và thuyền trưởng còn thấp; tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên (công suất trên 90 CV) vẫn chưa có giấy an toàn thực phẩm, chưa lắp đặt trang thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản trên biển chưa thực sự hiệu quả, do phương tiện hạn chế, lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng. Ngoài ra, hiện trạng bồi lắng và hạ tầng xuống cấp của cảng cá Lạch Hới đang gây khó khăn cho việc neo đậu, bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là đội tàu vỏ thép công suất trên 800 CV, đang làm giảm hiệu quả khai thác cảng...
Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên; đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững ngành thủy sản, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của người dân; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020–2025 xác định, phát triển ngành thủy sản là 1 trong 3 chương trình trọng tâm. Theo đó, chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021–2025, đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 24.000 tấn (khai thác 23.900 tấn, nuôi trồng 100 tấn trở lên); tổng số tàu cá có động cơ khai thác biển 1.062 chiếc; 100% tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ khai thác tham gia tổ, đội đoàn kết, mô hình liên kết sản xuất giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng trên 600 tàu neo đậu; công suất bến cá, cảng cá đạt 18.000 tấn hàng thủy sản/năm; xây dựng, phát triển ít nhất 1 mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung đạt chứng nhận VietGAP (GlobalGAP, ASC.BAP) hoặc công nghệ cao.
Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố tập trung rà soát, thống kê các phương tiện khai thác thủy sản. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng sang khai thác xa bờ; tập trung phát triển các nghề khai thác như nghề lưới vây khơi, lưới vây ngày, nghề câu, nghề lưới chụp. Cùng với đó, thành phố sẽ có các giải pháp nhằm vận động, khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang các ngành nghề như dịch vụ du lịch, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ thương mại và tiểu thủ công nghiệp... để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất phục vụ nghề cá và du lịch.
Cụ thể, tập trung nạo vét luồng lạch tại cửa Lạch Hới; nâng cấp cảng cá Lạch Hới và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Lạch Hới; quy hoạch cảng cá, các bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại các xã, phường Quảng Cư, Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu và bốc dỡ hàng hóa cho ngư dân. Đồng thời, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa phường Quảng Châu, phường Quảng Thọ, nhằm kết nối, triển khai phát triển tour du lịch “ngược xuôi sông Mã” và các tuyến du lịch khác trên biển; hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nghề cá... để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân.
Ngoài ra, thành phố chú trọng triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến quy trình công nghệ cho các cơ sở chế biến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cụm công nghiệp Quảng Châu - Quảng Thọ. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, có 35% tổng sản lượng thủy sản được sơ chế, chế biến; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản tăng sản lượng hàng đông lạnh xuất khẩu từ 5%/năm. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, quy hoạch các khu vực nuôi trồng thủy sản trọng điểm và các vùng sản xuất, chế biến thủy sản, bãi sinh sản vùng biển ven bờ phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản hàng năm của tỉnh, cũng như một số nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình dự án khác. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ việc giải bản đối với các phương tiện khai thác vùng ven bờ có chiều dài dưới 12 mét; hỗ trợ lắp đặt máy thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình, cải hoán, nâng cấp cho tàu cá từ 15 mét trở lên... Bố trí nguồn vốn của thành phố và nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các lớp đào tạo và đào tạo lại để nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá; đào tạo kỹ thuật cho ngư dân vận hành, khai thác tàu cá vỏ vật liệu mới; tập huấn cho ngư dân về các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ sang một số nghề khác...
Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sầm Sơn, cho biết: Việc xây dựng và ban hành Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021–2025 sẽ là căn cứ cho việc kêu gọi và thu hút các nguồn lực, dự án đầu tư vào lĩnh vực thủy sản. Từ đó, thúc đẩy ngành nghề truyền thống này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Để triển khai hiệu quả chương trình, trước mắt thành phố sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cộng đồng ngư dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản vùng ven biển, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa sinh sản. Đồng thời, góp phần chuyển đổi nghề nghiệp, giảm thiểu phương tiện khai thác ven bờ, định hướng phát triển phương tiện xa bờ.
Có thể nói, phát triển ngành thủy sản một cách hiệu quả và bền vững là yêu cầu khách quan, xuất phát từ tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển TP Sầm Sơn trong bối cảnh hiện nay. Bởi, nó không chỉ giúp gia tăng giá trị và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái gắn với du lịch và bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.