Khai thác hiệu quả vùng cát ở Hải Dương

Xã Hải Dương, huyện Hải Lăng có 5 thôn với 1.368 hộ, 5.769 nhân khẩu. Những năm gần đây, chính quyền và Nhân dân Hải Dương đã tận dụng các lợi thế sẵn có, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế vùng cát bằng các loại cây trồng chủ lực như ném, mướp đắng và mang lại hiệu quả kinh tế cao…

 Khảo sát mô hình phát triển kinh tế vùng cát ở Hải Dương, Hải Lăng. Ảnh: T.T

Khảo sát mô hình phát triển kinh tế vùng cát ở Hải Dương, Hải Lăng. Ảnh: T.T

Trên vùng rú cát thôn Đông Dương, ông Phan Văn Quang, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp (HTX) Đông Dương đang kiểm tra lại giàn mướp đắng trồng trái vụ. Ông Quang cho hay, Đông Dương là một trong những thôn có diện tích trồng ném và mướp đắng lớn nhất xã Hải Dương. Toàn thôn hiện có 76 hộ trồng ném với diện tích 13 ha, năng suất hằng năm đạt 6 tấn/ha.

Cây ném được trồng mỗi năm một vụ. Trên diện tích này, sau khi thu hoạch ném, người dân trồng luân canh các loại đậu như đậu xanh, đậu đen... để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cây ném được trồng từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch hằng năm, cho thu hoạch ném cây sau 2 tháng và sau 5 tháng thì thu hoạch ném củ. Gia đình ông Dương Văn Tình là một trong những hộ trồng ném nhiều nhất thôn Đông Dương với 0,3 ha. Theo ông Tình, hiệu quả kinh tế mà cây ném mang lại cao hơn hẳn những cây khác và gấp 2-3 lần cây lúa. “Trung bình, cây ném cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm. Trong khi cây lúa chỉ cho thu nhập từ 80- 85 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi muốn mở rộng thêm diện tích để trồng ném nhưng quỹ đất không có nữa”, ông Tình nói.

Cây ném tuy ít tốn công chăm sóc nhưng lại kén đất. Đất trồng ném phải là đất cát, dễ thoát nước nhưng phải đủ độ ẩm. Ném ở HTX Đông Dương nói riêng và toàn xã Hải Dương nói chung được trồng theo phương thức hữu cơ, không dùng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Xã Hải Dương là vùng trồng ném tập trung lớn nhất huyện Hải Lăng. Ném Hải Dương đã được kiểm định chất lượng và xuất bán ra thị trường dưới thương hiệu “Ném Hải Lăng”. Tuy nhiên, người dân mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ để đăng ký thương hiệu riêng cho ném Hải Dương.

Ngoài thôn Đông Dương, người dân các thôn Diên Khánh, Xuân Viên cũng đầu tư trồng ném tập trung trên vùng cát. Theo thống kê, toàn xã Hải Dương có diện tích trồng ném khoảng 55 ha. Hiện nay, nhu cầu của thị trường rất cao nên cây ném ở Hải Dương cung không đủ cầu. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, các tư thương đến thu mua ngay tại ruộng. Ném củ được xuất bán đi vào các tỉnh miền Nam, thậm chí qua Lào với giá khoảng 45 ngàn đồng/kg, còn ném cây được bán tại các chợ trong huyện và TP. Đông Hà với giá cả giao động từ 18 - 20 ngàn đồng/kg.

Ngoài cây ném, người dân vùng cát xã Hải Dương còn trồng cây mướp đắng với diện tích khá lớn, khoảng 20 ha với năng suất bình quân 53,2 tạ/ha, sản lượng đạt 103,7 tấn. Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết, mướp đắng được trồng chủ yếu ở các thôn Đông Dương, Diên Khánh với trên 100 hộ trồng. Trước đây, cây mướp đắng được người dân trồng nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại không cao. Khoảng 2 năm trở lại đây, được sự định hướng, khuyến khích của chính quyền, người dân trong xã bắt đầu trồng mướp đắng theo hướng tập trung. Cũng giống cây ném, mướp đắng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, trung bình mỗi năm, người trồng mướp thu được từ 120-140 triệu đồng/ha. Mướp đắng của xã Hải Dương đã đến được với nhiều thị trường, có mặt tại các chợ, siêu thị ở TP. Đông Hà, Thừa Thiên Huế… với giá bán tại vườn giao động từ 10 - 25 ngàn đồng/kg tùy theo loại.

Giám đốc HTX Đông Dương Phan Văn Quang cho hay, cây mướp đắng được trồng từ tháng 9 dương lịch và đến khoảng tháng 11-12 dương lịch là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài hơn một tháng rưỡi. Vì người nông dân có kinh nghiệm trồng trọt và phù hợp thổ nhưỡng nên cây mướp đắng cho năng suất khá cao. Từ năm 2019 đến nay, người dân trong thôn đang thử nghiệm trồng mướp đắng trái vụ với diện tích khoảng 3 ha trên vùng rú cát Đông Dương.

Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết thêm, cấp ủy, chính quyền địa phương từ lâu đã đưa chủ trương tập trung phát triển kinh tế vùng cát vào nghị quyết Đảng bộ xã. Nhờ sự quan tâm, khuyến khích, động viên và hỗ trợ kịp thời nên sản xuất trên vùng cát được người dân tích cực tham gia. “Hiện nay vùng cát của xã trồng các loại cây như ném, mướp đắng, sắn, lạc, ớt, rau, đậu các loại. Đặc biệt năm nay, diện tích cây ném và mướp đắng được người dân mở rộng thêm ở vùng cát, sản xuất theo hướng tập trung, giá cả đầu ra ổn định hơn so với năm trước. Hệ thống điện, giao thông thủy lợi và các tuyến đường vùng cát đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo việc tưới tiêu cũng như đi lại sản xuất tại vùng rú cát. Có thể khẳng định, việc sản xuất trên vùng cát đã ổn định và phát huy hiệu quả. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác kinh tế vùng cát, khuyến khích mở rộng diện tích trồng ném, mướp đắng”, ông Cảnh khẳng định.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148261