Khai thác khoáng sản vượt diện tích, hai doanh nghiệp tại Thanh Hóa bị xử phạt 500 triệu đồng

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng và Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Nam Thành với tổng số tiền 500 triệu đồng vì hành vi khai thác khoáng sản vượt diện tích cho phép.

Theo quyết định xử phạt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng (địa chỉ tại số 226 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa) đã khai thác khoáng sản tại mỏ đất san lấp và giàu silic tại núi Sơn Trang (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) với diện tích vượt ra ngoài ranh giới được phép khai thác là 13.344m2.

Công ty đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ.

 Khai thác khoáng sản vượt diện tích, hai công ty tại Thanh Hóa bị xử phạt 500 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Khai thác khoáng sản vượt diện tích, hai công ty tại Thanh Hóa bị xử phạt 500 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành Quyết định số 1717/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Nam Thành (địa chỉ tại số 14 Nguyên Hồng, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa) vì đã vi phạm hành chính khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) là 12.889m2.

Địa chỉ vi phạm là mỏ đất san lấp và lực lượng chức năng thu hồi khoáng sản đi kèm tại xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Với các vi phạm trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng và Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Nam Thành bị xử phạt mỗi công ty 250 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục, đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép về trạng thái an toàn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng buộc 2 công ty này nộp lại số lợi bất hợp pháp quy định tại điểm b, khoản 10, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.

Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa vừa tham mưu cho Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản đối với Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Bình Minh có địa chỉ ở thôn Phúc Trí, thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định với tổng số tiền là 275 triệu đồng.

Do vi phạm quy định trong khai thác khoáng sản tại mỏ đá xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thành Phát đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt với số tiền 250 triệu đồng.

Tại quyết định số 101 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thành Phát có địa chỉ mỏ đá tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Công ty Thành Phát đã thực hiện hành vi khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác hàng năm (năm 2020) nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25% đến dưới 50% (vượt 40%) đối với mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Do đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thành Phát bị xử phạt với số tiền là 250 triệu đồng, đồng thời UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra (quy định tại Khoản 7, Điều 41 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP), trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành.

Sử dụng tài nguyên chưa xứng đáng với giá trị

TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam sắp hết một số loại khoáng sản là do chúng ta duy trì trong một thời gian dài chính sách khai thác và quản lý khai thác tài nguyên gây lãng phí, thiếu hiệu quả, ít chế biến sâu và bán giá rẻ. Sự lãng phí và thiếu hiệu quả ấy là cơ hội làm giàu cho số ít trong khi làm khánh kiệt nguồn của cải và sức lao động của số đông.

“Danh sách người giàu ở Việt Nam ngày càng dài thêm và nhiều người giàu lên từ tài nguyên thiên nhiên. Có đại gia giàu từ rừng, có đại gia giàu từ đất, có đại gia giàu từ khoáng sản và gần đây có một số ít đại gia giàu từ thị trường tài chính. Nói tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, tài nguyên khoáng sản đang rơi vào tay tư nhân chứ không phải nhà nước. Vì vậy mà tài nguyên đang bị tận diệt rất nhiều", TS Võ lưu ý.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/khai-thac-khoang-san-vuot-dien-tich-hai-cong-ty-tai-thanh-hoa-bi-xu-phat-500-trieu-dong-77723.html