Khai thác lợi thế để cạnh tranh
Những đơn vị có sản phẩm được công nhận là sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của TP. Đà Nẵng đã tận dụng, biến giải thưởng thành lợi thế cạnh tranh, nâng cao uy tín doanh nghiệp…
Khai thác hiệu quả chứng nhận
Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Xuất nhập khẩu Hương Quế có tới 2 sản phẩm đạt Chứng nhận sản phẩm thương mại đặc trưng TP. Đà Nẵng (lót giày, dép Hương Quế) và bộ sản phẩm từ quế (dép quế, lót giày quế, tấm đệm quế) đạt Chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu TP. Đà Nẵng. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty - cho biết, đây là sự ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm, năng lực và là niềm tự hào của doanh nghiệp. "Sản phẩm được công nhận trở thành "tấm hộ chiếu" cho hành trình phát triển thị trường của Hương Quế xa hơn, rộng hơn" - ông Sơn nói. Tự hào về sản phẩm và thành tích đạt được, cán bộ, công nhân viên Hương Quế nỗ lực làm việc, tích cực và sáng tạo hơn nữa để làm ra nhiều sản phẩm hoàn hảo hơn; đồng thời, có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ uy tín, danh dự của sản phẩm và doanh nghiệp.
Từ những chứng nhận đã đạt được, sản phẩm Hương Quế đến nhiều hơn với người tiêu dùng. Hiện, sản phẩm Hương Quế đã có mặt tại hơn 90% trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, resort cao cấp trên cả nước và "rộng đường" xuất khẩu. "Hương Quế tự tin sẽ kết thúc năm 2019 với 1,35 triệu sản phẩm được xuất ra thị trường, tăng khoảng 15% so với năm 2018. Dự báo, trong năm tới, chúng tôi sẽ còn tăng trưởng cao hơn với nhiều đơn hàng xuất khẩu đến đối tác mới, thị trường mới" - ông Sơn chia sẻ.
Ông Bùi Thanh Phú - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Hương, đơn vị vừa đạt Chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu TP. Đà Nẵng 2019 với sản phẩm nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ - cho biết, chứng nhận là sự ghi nhận cho những nỗ lực của đơn vị trong quá trình thương mại hóa sản phẩm, tạo động lực và là cơ sở để Hồng Hương tự tin quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến rộng rãi người tiêu dùng. Dù mới hình thành, nhưng hiện sản phẩm Hương Làng Cổ đã có mặt tại nhiều nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ, siêu thị đặc sản tại Đà Nẵng, các thành phố lớn và nhiều địa phương trong cả nước.
Trăn trở mở rộng sản xuất
Hoạt động sản xuất, kinh doanh khả quan, tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Sơn vẫn luôn trăn trở về việc thiếu mặt bằng sản xuất của công ty. "Lượng đơn hàng nhiều trong khi mặt bằng sản xuất chưa đáp ứng nên chúng tôi thậm chí đã phải từ chối bớt một số đơn hàng để đảm bảo tiến độ giao hàng" - ông Sơn chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Bùi Thanh Phú cho biết, làng nghề làm nước mắm truyền thống Nam Ô vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thế quốc gia, tuy nhiên, năng lực sản xuất nước mắm tại các cơ sở trong làng nghề, trong đó có Công ty TNHH Hồng Hương còn rất hạn chế do thiếu mặt bằng sản xuất để mở rộng kinh doanh. Ông Phú mong muốn chính quyền TP. Đà Nẵng tạo điều kiện để đơn vị có thể thuê mặt bằng, mở rộng sản xuất và vực dậy làng nghề.
Ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, doanh nghiệp ngoài nội lực, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả thuê mặt bằng để mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới. Khi chủ trương đã có, cần phải tổ chức thực hiện để chủ trương đó đi vào thực tiễn cho doanh nghiệp. Ví dụ, chủ trương xây dựng Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Hòa Khánh Nam cần phải nhanh chóng thực hiện để giải quyết cho những doanh nghiệp có thế mạnh phát triển, sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm nhưng đang quá thiếu mặt bằng hoặc đang sản xuất trong khu dân cư.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khai-thac-loi-the-de-canh-tranh-127703.html