Khai thác lợi thế, tiềm năng từng vùng

Nhằm khai thác lợi thế tiềm năng của từng tiểu vùng sinh thái, những năm qua, huyện Cầu Ngang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất, tạo nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, từ đó hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Rẫy đậu phộng của nông dân Nguyễn Văn Khởi, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn.

Rẫy đậu phộng của nông dân Nguyễn Văn Khởi, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn.

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Vùng nông nghiệp tại xã Long Sơn, sản phẩm đậu phộng, dưa hấu đang dần chiếm lĩnh thị trường, nhất là từ khi xã hình thành vùng sản xuất màu tập trung với diện tích 370ha ở ấp Huyền Đức, Bào Mốt, Sóc Mới và một phần ấp Sóc Giụp, Sơn Lang. Diện tích vụ màu đông - xuân 2024 xuống giống 245ha, trong đó diện tích đậu phộng 185ha, còn lại màu thực phẩm như ớt, bí đỏ và rau cải các loại. Cây đậu phộng là cây truyền thống của địa phương có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm nhiều lao động trong mùa vụ xuống giống, thu hoạch. Đặc biệt, năng suất đậu phộng ổn định và có xu hướng tăng dần do người dân biết cách áp dụng chuyển giao khoa học - kỹ thuật và giống mới.

Nông dân Nguyễn Văn Khởi, ấp Huyền Đức cho biết: việc sản xuất đậu phộng tập trung trong vụ này không chỉ giúp nông dân trồng “cùng cánh đồng, cùng cây trồng, cùng mùa vụ”, còn chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Trồng đậu phộng vào mùa này, cây dễ sinh trưởng và phát triển ở những nơi có lượng mưa ít và phân bổ đều trong mùa vụ (đất giồng cát, triền giồng). Hơn nữa đậu phộng được thương lái thu mua ổn định với sản lượng lớn. Với 0,4ha đậu phộng hiện đang ra hoa chuẩn bị sinh hạt, năng suất ước đạt 01 tấn đậu/ha, dự kiến thu hoạch sau tết Nguyên đán, giá bán hiện nay 14.000 đồng/kg, hy vọng đến vụ thu hoạch đậu phộng tăng giá nông dân có thu nhập cao.

Đồng chí Trần Văn Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đang mang lại hiệu quả rõ nét, nhất là diện tích rau màu chuyển đổi trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả, giá trị thu nhập sau thu hoạch đạt từ 80 - 120 triệu đồng/ha/vụ. Vùng sản xuất tập trung không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập, còn giúp người dân định hướng chọn lựa cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Niên vụ đậu phộng năm 2022 - 2023, diện tích xuống giống 565ha, năng suất đạt từ 8,5 - 9,5 tấn đậu tươi/ha, lợi nhuận từ 50 - 80 triệu đồng/ha. Từ đó cây đậu phộng trở thành cây chủ lực và sản phẩm đậu phộng rang của xã đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp

Với thế mạnh về nông nghiệp nên Cầu Ngang phát triển về chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thủy sản, huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp. Gắn XDNTM với thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện chuyển đổi 225ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cỏ, nuôi tôm. Hỗ trợ 05 sản phẩm OCOP cấp lại sao và 13 sản phẩm mới. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm 4 sao, 27 sản phẩm 3 sao.

Bên cạnh đó, huyện triển khai có hiệu quả chương trình, dự án, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/03/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh, năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 72,82ha với số tiền trên 799,1 triệu đồng. Hỗ trợ 08 cơ sở VietGAP thủy sản và trồng trọt với số tiền gần 2,1 tỷ đồng. Mặt khác phối hợp với các địa phương hỗ trợ 55 tấn Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia cho các hộ dân nuôi thủy sản. Triển khai thực hiện mô hình nuôi vịt Cherry Vally kết hợp nuôi cá tại xã Trường Thọ và Kim Hòa; mô hình nuôi cua biển thương phẩm tại xã Hiệp Mỹ Tây; mô hình trồng lúa Nhật với diện tích 0,8ha tại xã Hiệp Hòa; mô hình nuôi cá rô phi Genomar tại xã Long Sơn. Đa số các mô hình triển khai sản xuất có hiệu quả, có khả năng nhân rộng cao.

Theo đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện đạt được nhiều thành tựu, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, có nhiều mô hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như mô hình trồng màu thâm canh; sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn trong các tiểu vùng sản xuất như: cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ, có một số khu vực thiếu điện, đường giao thông bị xuống cấp không đảm bảo, nguồn nước tưới cho cây màu còn thiếu ở những thời điểm sản xuất tập trung; giá thị trường đầu vào, đầu ra không ổn định…

Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn từng bước phát triển; các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã từng bước hình thành và phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện, một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/khai-thac-loi-the-tiem-nang-tung-vung-34161.html