Khai thác 'mỏ vàng' phế, phụ phẩm nông nghiệp

Việc chế biến, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta có thể mang lại 4 - 5 tỷ USD/năm nhưng hiện mới đạt khoảng 275 triệu USD.

Nguồn tài nguyên đang bị lãng phí

Việt Nam là một nước nông nghiệp, vì vậy hàng năm lượng phế thải dư thừa trong quá trình chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm rất lớn và đa dạng.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp cả nước khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản...

Riêng khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà khoa học nông nghiệp, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng,việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên từ phế, phụ phẩm có ý nghĩa lớn đối với bảo vệ môi trường. Phế, phụ phẩm nông nghiệp nói riêng và các loại rác thải phân hủy được (hữu cơ) nói chung nếu có những chủng vi sinh (nấm, vi khuẩn) thích hợp cho phân hủy thì có thể làm phân bón cải tạo phục hồi tình trạng nguyên thủy, tăng độ phì nhiêu đất bị cạn kiệt vì nông dân đã lạm dụng phân hóa học lâu dài, cung cấp dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng hoặc thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường.

Nhưng thực tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Minh chứng là trong số 43 triệu tấn rơm thì mới thu gom, sử dụng được khoảng 52,2%; chất thải chăn nuôi cũng chưa được thu gom, sử dụng hiệu quả, chỉ đạt 48% ở quy mô nông hộ. Với việc chế biến, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại 4 - 5 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay mới đạt khoảng 275 triệu USD...

Cho vay ưu đãi để mua sắm thiết bị chế biến phụ phẩm

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội) Nguyễn Đỗ Ban cho biết, phụ phẩm nông nghiệp khi đưa vào sử dụng sẽ phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là giá thành xử lý cao so với thu nhập của nông dân; địa điểm tập kết phế, phụ phẩm nông nghiệp hạn chế.

Muốn khai thác tốt tiềm năng của nguồn nguyên liệu này, ông Ban cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi để người nông dân hiểu rõ được hiệu quả rõ rệt khi tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Về phía cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân về xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao. Phải tạo ra giá thành hợp lý thì người nông dân mới tiếp cận kịp; quan trọng là những cơ chế về hỗ trợ vốn, tổ chức kinh doanh, dây chuyền sản xuất cũng cần được tính đến, ông Ban nói.

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, để tạo ra được phân bón, các nhà khoa học sử dụng các chủng vi sinh phù hợp để chủng vào mỗi loại phế, phụ phẩm và ngâm, ủ trong thời gian thích hợp mới cho ra phân bón. Tuy nhiên, hiện tại còn gặp khó trong việc tìm ra loại vi sinh thích hợp, phối hợp với các loại vật liệu có chứa các nguyên tố trung lượng và vi lượng, thiết bị ủ, lên men; thiết bị sấy khô; thiết bị tách các vật liệu không phân hủy được. Cùng với đó, vẫn còn những vướng mắc khi muốn thu gom phế, phụ phẩm thì phải qua nhiều thủ tục từ cơ quan quản lý.

Vị chuyên gia này cho rằng, đối với phế, phụ phẩm từ các quá trình sản xuất nông nghiệp, Nhà nước nên cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp mua sắm thiết bị chế biến phụ phẩm. Ví dụ trái cây không đạt chất lượng bán tươi sẽ được chế biến nước trái cây đóng hộp, trái cây sấy dẻo...; vỏ thanh long, vỏ khóm được ủ làm phân bón; phụ phẩm nhà đông lạnh thủy sản ủ hoặc lên men làm phân bón; phụ phẩm của lúa - rơm làm nấm rơm, phân bón; cám làm dầu cám và thức ăn gia súc; trấu làm than trấu, tinh chiết ra silica... Đối với rác nhà bếp gia đình nông thôn, cần vận động phong trào phụ nữ sản xuất phân hữu cơ vi sinh để trồng cây ăn quả quanh nhà (chuối, dứa/khóm, đu đủ, chanh, cam... tăng chất dinh dưỡng để tăng thể trọng mọi người trong gia đình). “Việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà sẽ giúp nông dân có cơ hội làm giàu”, GS.TS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Để phát huy giá trị của nguồn phụ phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sẽ nghiên cứu tham mưu đề xuất Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, trong đó có các giải pháp liên quan đến sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo.

Cụ thể, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ cho người nông dân. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch. Phổ biến kiến thức, kỹ thuật, công nghệ và quản trị, kinh doanh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái đến các tổ chức liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Trong đó ưu tiên các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, hình thức nông nghiệp gia công áp dụng công nghệ cao để phát huy giá trị của nguồn phụ phẩm.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/khai-thac-mo-vang-phe-phu-pham-nong-nghiep-i302645/